Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 02/06/2021

09:00 02/06/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 01/06, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.117 VND/USD, giảm mạnh 18 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.761 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.047 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên 31/05. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhẹ 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.170 - 23.220 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 01/06, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,01 - 0,03 đpt ở các các kỳ hạn ngắn trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 1M so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 1,48%; 1W 1,54%; 2W 1,60% và 1M 1,68%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,19%; 2W 0,24%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tiếp tục giảm ở tất cả kỳ hạn, giao dịch tại: 3Y 0,84%; 5Y 1,14%; 7Y 1,36%; 10Y 2,24%; 15Y 2,52%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, sau khi giao dịch tiêu cực vào buổi sáng, lực cầu dâng cao sau giờ nghỉ trưa đã hỗ trợ đà bứt phá của nhiều cổ phiếu lớn, giúp thị trường trở lại sắc xanh. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,73 điểm (+0,73%) lên 1.337,78 điểm; HNX-Index tăng 0,61 điểm (+0,19%) lên 318,47 điểm; UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,11%) lên 88,87 điểm. Thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch gần 30.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 623 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo báo cáo do IHS Markit công bố ngày 01/06, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống 53,1 điểm trong tháng 5/2021 từ mức 54,7 điểm của tháng trước đó. Đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Việt Nam đã kìm hãm tăng trưởng cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới của lĩnh vực sản xuất trong tháng 5. Dù sản lượng vẫn tăng, nhưng mức tăng đã chậm lại đáng kể và thành mức thấp trong 3 tháng qua. Tình trạng tương tự diễn ra với số lượng đơn đặt hàng mới khi chỉ số này tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 2.                        

Tin quốc tế:

Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất của nước này ở mức 61,2% trong tháng 5, tăng nhẹ lên từ mức 60,7% của tháng trước đó và cao hơn mức 60,8% theo dự báo.

Trong phiên họp diễn ra hôm qua 01/06, NHTW Úc RBA nhận định kinh tế quốc nội Úc phục hồi mạnh hơn kỳ vọng, và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai. RBA vẫn giữ dự báo GDP Úc sẽ tăng trưởng 4,75% trong năm 2021 và 3,5% trong năm 2022, tuy nhiên cũng cảnh báo triển vọng này vẫn có thể bị ảnh hưởng trong trường hợp Covid-19 trong nước bùng phát trở lại. Theo đó, RBA quyết định duy trì CSTT như trước, giữ nguyên LSCS ở mức 0,1% và tiếp tục các chương trình thu mua TPCP như đã đặt ra. RBA cam kết sẽ không tăng LSCS cho tới khi lạm phát thực tế ổn định trong ngưỡng mục tiêu 2,0% tới 3,0%. Liên quan tới chỉ báo kinh tế Úc, số cấp phép xây dựng nhà tại quốc gia này trong tháng 4 giảm 8,6% m/m sau khi tăng vọt 18,9% ở tháng trước đó, tuy nhiên vẫn chưa mạnh như mức giảm 9,9% theo dự báo.

CPI trong tháng 5 của khu vực Eurozone được ghi nhận tăng 2,0% y/y theo báo cáo sơ bộ, mạnh hơn mức tăng 1,6% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 1,9% theo dự báo. Tiếp theo, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này giảm xuống còn 8,0% trong tháng 4, trái với dự báo đi ngang ở mức 8,1% của tháng 3. Cuối cùng, tại nước Đức, PMI lĩnh vực sản xuất của nước này chính thức ghi nhận mức 64,4 điểm trong tháng 5, điều chỉnh lên nhẹ so với mức 64,0 theo khảo sát sơ bộ.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm