Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 17/05 - 21/05/2021

09:00 24/05/2021

Tổng quan:

 

Trong tháng 4/2021, thị trường trái phiếu Chính phủ tại Sở GDCK Hà Nội HNX tiếp tục có diễn biến sôi động trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, KBNN cho thấy sự linh hoạt trong hoạt động đấu thầu của mình.

Trên thị trường sơ cấp, thông qua 16 đợt đấu thầu trái phiếu được tổ chức tại HNX trong tháng 4/2021, KBNN đã huy động được tổng cộng 26.302 tỷ đồng trái phiếu (tỷ lệ trúng thầu là 83%), tăng 215% so với tháng trước và tăng tới hơn 756% so với cùng kỳ 2020. So với tháng 3/2021, lãi suất trúng thầu của trái phiếu KBNN tăng từ 0,05 - 0,06%/năm tại các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm, giữ nguyên tại các kỳ hạn 20 và 30 năm. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm có giá trị trúng thầu lớn nhất trong các kỳ hạn phát hành. Với khối lượng đáo hạn trong tháng là 17.377 tỷ đồng, KBNN phát hành ròng 8.925 nghìn tỷ đồng. Tính lũy kế từ đầu năm, KBNN phát hành 65.507 tỷ đồng. Với khối lượng đáo hạn lũy kế là 68.961 tỷ đồng, KBNN phát hành ròng 3.454 tỷ đồng. Trên thị trường giao dịch thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu chính phủ bình quân trong tháng 4 đạt 9.789 tỷ đồng/phiên, giảm 5,99% so với tháng 3/2021. Trong đó, khối lượng giao dịch theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 1 tỷ trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt 116,6 nghìn tỷ đồng. Khối lượng giao dịch theo phương thức giao dịch mua bán lại (repos) đạt hơn 742 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 79,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,44% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, tăng 10,17% so với tháng 3/2021. Về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, trong tháng 4 giá trị mua đạt hơn 2.342 tỷ đồng, giá trị bán đạt hơn 1.628 tỷ đồng. Như vậy tháng 4 nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 714 tỷ đồng.

Có thể thấy, lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, KBNN chỉ huy động được gần 66/350 nghìn tỷ đồng kế hoạch phát hành TPCP (hoàn thành 19% kế hoạch năm). Theo nhận định của các chuyên gia, kết quả trên cho thấy mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và Bộ Tài chính vẫn là giải ngân đầu tư công tập trung vào chất lượng, bởi vậy KBNN không quá vội vã trong việc phát hành mà thay vào đó điều chỉnh và phân bố hoạt động đấu thầu một cách hợp lý. Cùng kỳ năm ngoái, KBNN cũng chỉ huy động được 36/300 nghìn tỷ đồng gọi thầu (hoàn thành 12% kế hoạch năm) chủ yếu do hoạt động phát hành bị ảnh hưởng bởi làn sóng Covid lần thứ nhất.

Đánh giá về sự phát triển của thị trường TPCP nói chung, đại diện KBNN nhận định, thị trường TPCP đã có sự hỗ trợ hiệu quả cho Chính phủ cũng như giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư, điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn hiện nay khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Lãi suất phát hành duy trì ở mức thấp trên tất cả các kỳ hạn, giúp tiết kiệm chi phí sử dụng vốn cho Chính phủ. Đáng chú ý, kỳ hạn bình quân trái phiếu phát hành qua đấu thầu đạt trên 10 năm, đem lại sự chủ động và ổn định trong hoạt động đầu tư phát triển các dự án trọng điểm và dài hạn của Chính phủ.

Trong quý II/2021, KBNN đưa ra kế hoạch sẽ đấu thầu TPCP qua HNX với tổng mức phát hành là 100 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam). Khối lượng còn lại trong quý của hai tháng 5 và 6 là gần 74 nghìn tỷ đồng, trung bình mỗi tháng phải huy động khoảng 37 nghìn tỷ đồng, tức là tăng 40% so với khối lượng của tháng 4. Tuy nhiên, thị trường nhận định, trong các tháng tiếp theo, KBNN cũng sẽ tiếp tục linh hoạt trong việc điều chỉnh khối lượng các kỳ hạn phù hợp với tình hình và nhu cầu sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước.

Tóm lược thị trường trong nước từ 17/05 - 21/05

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 17/05 - 21/05, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh 2 phiên và tăng nhẹ 3 phiền còn lại. Chốt phiên 21/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.160 VND/USD, giảm 16 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.805 VND/USD.

Tỷ giá LNH tuần qua tiếp tục tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 21/05, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.059 VND/USD, tăng 09 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do giảm nhẹ. Chốt tuần 21/05, tỷ giá tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào trong khi giữ nguyên ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.230 – 23.280 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 17/05 - 21/05, lãi suất VND LNH biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt phiên 21/05, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,26% (không thay đổi); 1W 1,33% (+0,01 đpt); 2W 1,41% (+0,02 đpt); 1M 1,52% (+0,08 đpt).

Tương tự, lãi suất USD LNH cũng dao động tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 21/05, lãi suất USD LNH đóng cửa tại: ON 0,15% (+0,01 đpt); 1W 0,18% (-0,01 đpt); 2W 0,23% (không thay đổi) và 1M 0,33% (+0,01 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 17/05 - 21/05, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên qua kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 17/05 - 21/05, KBNN huy động thành công 11.497/12.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 96%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 10 năm huy động được toàn bộ lần lượt 1.500 và 7.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 2.417/2.500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động được 80/500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,14%/năm (-0,02%); 10 năm tại 2,34%/năm (-0,01%); 15 năm tại 2,58%/năm (-0,01%); kỳ hạn 20 năm tại 2,90%/năm (không đổi). Trong tuần qua không có TPCP đáo hạn. Tuần từ 24/05 – 28/05, KBNN sẽ gọi thầu 11.000 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung), đồng thời sẽ có 12.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.106 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức 9.298 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần 17/05 - 21/05, lợi suất TPCP các kỳ hạn tiếp tục diễn biến trái chiều. Chốt phiên 21/05, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,31% (+0,002 đpt); 2 năm 0,48% (không thay đổi); 3 năm 0,75% (+0,06 đpt); 5 năm 1,13% (-0,03đpt); 7 năm 1,42% (-0,03 đpt); 10 năm 2,34% (-0,02 đpt); 15 năm 2,59% (-0,02 đpt); 30 năm 3,09% (không thay đổi).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 17/05 - 21/05 tiếp tục tích cực khi cả 3 sàn đều tăng điểm và thanh khoản duy trì ở mức rất cao. Chốt tuần, VN-Index đứng ở mức 1.283,93 điểm, tăng 17,57 điểm (+1,39%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 3,27 điểm (+1,11%) lên 297,99 điểm; UPCoM-Index tăng 0,63 điểm (+0,78%) lên 81,63 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng với giá trị giao dịch đạt gần 25.100 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 3.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

Tin quốc tế

Fed có thể thu hẹp nhẹ chính sách thu mua tài sản, bên cạnh đó Chính phủ Mỹ cũng hạ bớt quy mô đầu tư cơ sở hạ tầng. Cụ thể, trong biên bản cuộc họp tháng 4 được Fed công bố vào 20/05 theo giờ Việt Nam, cơ quan này cho rằng nếu sự phục hồi kinh tế tiếp tục đạt được đà tăng tích cực, sẽ là thích hợp "vào một thời điểm nào đó" trong các cuộc họp sắp tới để thảo luận về việc thu hẹp chương trình mua tài sản hiện nay. Ý kiến này của Fed được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ hồi phục rất mạnh mẽ, đồng thời chỉ số CPI m/m và y/y đều đang ở mức cao trong quý vừa qua. Tuy nhiên, các quan chức Fed vẫn khẳng định việc giá cả tăng hiện nay không tạo áp lực lên lạm phát trong dài hạn. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế vẫn “không đồng đều và còn lâu mới hoàn thành”, nền kinh tế vẫn chưa cho thấy tiêu chuẩn “tiến bộ đáng kể hơn nữa” mà Ủy ban đặt ra trước khi thay đổi chính sách. Về Chính phủ Mỹ, ngày 21/05, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông báo Tổng thống Joe Biden đề xuất giảm kinh phí đối với gói hỗ trợ cơ sở hạ tầng từ 2.250 tỷ USD xuống 1.700 tỷ USD. Việc giảm quy mô này đơn thuần do kế hoạch trước đó gặp sự phản đối của một số nhà lập pháp, vốn cho rằng nợ công của nước Mỹ hiện đang cao và tiềm ẩn rủi ro nhất định.

Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này trong tuần kết thúc ngày 15/05 ở mức 444 nghìn đơn, giảm từ mức 478 nghìn đơn của tuần trước đó, xuống sâu hơn mức 453 nghìn đơn theo kỳ vọng và cho thấy xu hướng giảm trong 7 tuần liên tiếp. Tiếp theo, số cấp phép xây dựng tại nước này trong tháng 4 bằng với tháng trước đó ở mức 1,76 triệu đơn, trong khi số nhà khởi công đạt 1,57 triệu căn, thấp hơn so với mức 1,74 triệu căn của tháng 3, cả hai chỉ số đều lần lượt thấp hơn mức 1,77 triệu đơn và 1,71 triệu căn theo dự báo. Cuối cùng, IHS Market cho biết PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của nước Mỹ lần lượt ở mức 61,5 và 70,1 điểm trong tháng 5, cùng tăng so với 60,5 và 64,7 điểm của tháng 4, trái với dự báo giảm xuống còn 60,0 và 64,3 điểm.

Kinh tế Anh đón nhận một số thông tin trái chiều. Đầu tiên, về thông tin tích cực, CPI toàn phần và CPI lõi tại quốc gia này lần lượt tăng 1,5% và 1,3% y/y trong tháng vừa qua, cùng cao hơn mức 0,7% và 1,1% của tháng trước đó. Doanh số bán lẻ của nước Anh tăng 9,2% m/m trong tháng 4, nối tiếp đà tăng 5,2% của tháng 3 và vượt mạnh so với dự báo tăng 4,5%. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này giảm xuống còn 4,8% trong tháng 3, thấp hơn dự báo đi ngang ở mức 4,9%. Về thông tin tiêu cực, thu nhập bình quân của nước Anh trong 3 tháng 01-02-03/2021 tăng 4,0% 3m/y, thấp hơn mức tăng 4,5% của 3 tháng 12/2020 và 01-02/2021, đồng thời cũng là mức dự báo của thị trường.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

 

Đọc thêm