Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 14/05/2021

08:00 14/05/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 13/05, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.168 VND/USD, tăng mạnh 19 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.813 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.056 VND/USD, giảm trở lại 09 đồng so với phiên 12/05. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào trong khi giảm 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.270 - 23.320 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 13/05, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,01 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 2W và giảm 0,03 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 1,23%; 1W 1,31%; 2W 1,38% và 1M 1,44%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,19%; 2W 0,24%, 1M 0,32%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp đi ngang ở kỳ hạn 3Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên tại: 3Y 0,68%; 5Y 1,16%; 7Y 1,44%; 10Y 2,37%; 15Y 2,61%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường biến động theo chiều hướng khá tiêu cực khi nhiều cổ phiếu lớn giảm sâu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,1 điểm (-0,56%) xuống 1.261,99 điểm; HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 4,7 điểm (+1,66%) lên 287,03 điểm; UPCoM-Index giảm 0,3 điểm (-0,37%) xuống 81,17 điểm. Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên trước đó với tổng giá trị giao dịch đạt trên 25.000 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.161 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 4/2021 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thâm hụt 1,22 tỷ USD, lũy kế 4 tháng thặng dư 1,63 tỷ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đạt 25,55 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng 3; kim ngạch nhập khẩu đạt 27,77 tỷ, giảm 2,4%. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 4, kim ngạch xuất khẩu đạt 104,94 tỷ USD, tăng tới 29,6% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu đạt 103,31 tỷ, tăng 31,8%. 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 208,25 tỷ USD; tăng 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái.                    

Tin quốc tế:

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 08/05 được công bố ở mức 473 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 507 nghìn đơn của tuần trước đó, tích cực hơn mức 487 nghìn đơn theo kỳ vọng. Đây là số đơn thấp nhất kể từ cuối tháng 03/2020 cho tới nay. Tiếp theo, chỉ số giá sản xuất PPI lõi và PPI toàn phần của nước này lần lượt tăng 0,7% và 0,6% m/m trong tháng 4 sau khi tăng 0,7% và 1,0% ở tháng 3, tích cực hơn dự báo tăng 0,4% và 0,3% của các chuyên gia.

Ngày 13/05, người phát ngôn Văn phòng Quản lý và ngân sách Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố đề xuất ngân sách đầy đủ năm tài chính 2022 vào ngày 27/5 tới. Những đề xuất ngân sách đầy đủ thường bao gồm thời hạn 10 năm và thường đưa ra các mục tiêu tài khóa dài hạn. Đối với Tổng thống Biden, đây sẽ là cơ hội để trình bày quan điểm thống nhất về các đề xuất chính của ông, bao gồm kế hoạch chi tiêu hàng năm 1,5 nghìn tỷ USD cho năm 2022, dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD đã được ban hành vào tháng 3/2021, đề xuất 2,3 nghìn tỷ USD đối với kế hoạch cơ sở hạ tầng và kế hoạch 1,8 nghìn tỷ USD hỗ trợ cho các hộ gia đình. Riêng đề xuất NS năm 2022 sẽ thúc đẩy chi tiêu trong nước lên 16%, tập trung chủ yếu vào y tế và giáo dục, trong khi cũng tăng chi tiêu quốc phòng 1,7%.

Giá trị cho vay tiêu dùng và kinh doanh tại Nhật Bản tăng 4,8% y/y trong tháng 4, thấp hơn mức tăng 6,2% của tháng trước đó và trái với dự báo tăng lên thành mức 6,3%. Tiếp theo, cán cân vãng lai của nước Nhật thặng dư 1,70 nghìn tỷ JPY trong tháng 3, thấp hơn mức thặng dư 1,84 nghìn tỷ của tháng 3, đồng thời thấp hơn mức thặng dư 1,87 nghìn tỷ theo kỳ vọng.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm