Tổng quan:
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021. Chính phủ nhận định, trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển tốt, xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo về áp lực lạm phát có thể tăng trong năm nay.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI 4 tháng tăng 0,89%, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 40,5% dự toán năm, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020; đã gia hạn thời hạn nộp thuế đối với khoảng 24.000 tỷ đồng theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP; đã bố trí 12.100 tỷ đồng tiết kiệm chi thường xuyên năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vaccine ngừa Covid-19. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng ước tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức 1,29 tỷ USD. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 24,1%, tính chung 4 tháng ước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, cao hơn cùng kỳ năm trước (tăng 9,7%). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 4/2021 ước tính đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 16,6% và tăng 14,5%). Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tập trung nghiên cứu, rà soát, có biện pháp kịp thời, hiệu lực tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách để giải phóng các nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương tổng kết, đánh giá, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, nhất là vốn ODA. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao. Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các loại nông sản vào mùa thu hoạch lớn. Tập trung đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án năng lượng; nghiên cứu, xây dựng các phương án tiêu thụ điện, cơ chế điều chỉnh giá bán điện phù hợp với nhu cầu sử dụng tại các thời điểm, tránh việc cắt giảm, lãng phí điện. Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh phải theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là hiện tượng tăng giá các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu trong thời gian qua, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các biện pháp bảo đảm kiểm soát lạm phát.
Về lạm phát, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, mặc dù nhiều dự báo lạm phát trong năm 2021 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%, tuy nhiên, vẫn không thể lơ là, chủ quan trong kiểm soát lạm phát. Năm 2021, theo Nghị quyết Quốc hội quyết định tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 4%. Có một số yếu tố có thể đẩy áp lực lạm phát lên đáng kể trong năm nay. Trước tiên là khả năng phục hồi mạnh của kinh tế toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng trên nền tăng trưởng thấp của năm 2020. Khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên. Bên cạnh đó, lượng tiền mà các nước, các NHTW bơm ra để phòng chống dịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn, hay các động thái tiếp tục nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất… trong thời gian qua sẽ có tác động mạnh hơn trong năm nay và năm tới, khiến lạm phát trên toàn cầu dự báo có thể tăng tương đối. Ngoài ra, các dự báo đều cho thấy giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trở lại, dù mức tăng không lớn nhưng cũng tạo thêm sức ép lên lam phát. Trong khi đó ở trong nước, lộ trình tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng sẽ ảnh hưởng tới chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định liên quan đến dịch bệnh, tổng cầu của nền kinh tế khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch. Đặc biệt tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... dự báo gặp nhiều khó khăn, nên nhìn chung mặt bằng giá cả các mặt hàng này dự kiến không có biến động.
Tóm lược thị trường trong nước từ 04/05 - 07/05
Thị trường ngoại tệ: Tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở cả 4 phiên trong tuần từ 04/05 - 07/05, đặc biệt tăng mạnh phiên đầu tuần. Chốt phiên 07/05, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.179 VND/USD, tăng mạnh trở lại 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.824 VND/USD.
Tỷ giá LNH tuần qua biến động theo xu hướng tăng nhẹ. Chốt ngày 07/05, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.065 VND/USD, tăng 12 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do giảm ở cả 4 phiên trong tuần qua, đặc biệt giảm mạnh phiên cuối tuần. Chốt tuần 07/05, tỷ giá tự do giảm 225 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.400 – 23.460 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 04/05 - 07/05, lãi suất VND LNH tiếp tục biến động tăng ở tất cả các kỳ hạn. Chốt phiên 07/05, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,24% (+0,25 đpt); 1W 1,26% (+0,02 đpt); 2W 1,30% (+0,09 đpt); 1M 1,39% (+0,15 đpt).
Lãi suất USD LNH chỉ dao động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 07/05, lãi suất USD LNH giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi giữ nguyên ở các kỳ hạn 2W và 1M, đóng cửa tại 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,23% và 1M 0,34%.
Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 04/05 - 07/05, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên suốt cả 4 phiên qua kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Thị trường trái phiếu: Trong tuần từ 04/05 - 07/05, KBNN huy động thành công 7.536/10.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 75%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm huy động được 250/500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động 4.936/6.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 1.850/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm giữ nguyên tại 1,45%/năm, kỳ hạn 10 năm tại 2,37%/năm (+0,01%); kỳ hạn 15 năm tại 2,58%/năm (+0,02%); kỳ hạn 20 năm tại 2,9%/năm (+0,01%). Trong tuần qua có 5.200 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần từ 10/05 – 14/05, KBNN gọi thầu 8.000 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần có 7.800 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 9.722 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 13.088 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần 04/05 - 07/05, lợi suất TPCP các kỳ hạn biến động trái chiều so với tuần trước đó. Chốt phiên 7/05, lợi suất TPCP giao dịch quanh mức: 1 năm 0,27% (+0,002 đpt); 2 năm 0,48% (-0,01 đpt); 3 năm 0,68% (không thay đổi); 5 năm 1,16% (-0,02đpt); 7 năm 1,46% (-0,01 đpt); 10 năm 2,37% (+0,01 đpt); 15 năm 2,61% (+0,01 đpt); 30 năm 3,09% (-0,01 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 04/05 - 07/05 không xác định rõ xu hướng, tăng – giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.241,81 điểm, tăng nhẹ 2,42 điểm (+0,20%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 1,89 điểm (-0,67%) xuống 279,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,21%) lên 80,85 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh trở lại với giá trị giao dịch đạt trên 23.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại vẫn bán ròng mạnh hơn 2.425 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
Tin quốc tế
Các NHTW của Anh BOE và Úc RBA không thay đổi LSCS trong các cuộc họp đầu tháng 5. Về BOE, NHTW này cho biết kinh tế quốc nội Anh tăng trưởng chậm lại trong QI/2021 nhưng được kỳ vọng sẽ tăng tốc ở QII. BOE thông báo giữ nguyên LSCS đang ở mức 0,1%; bên cạnh đó duy trì nắm giữ 875 tỷ GBP TPCP và 20 tỷ TPDN, nhằm đạt được lạm phát mục tiêu ở mức 2,0%, đồng thời giữ cho nền kinh tế cùng thị trường việc làm phát triển ổn định. Về RBA, cơ quan này cho biết kinh tế thế giới đang thể hiện triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 và 2022. Kinh tế quốc nội Úc cũng đang cho thấy sức phục hồi mạnh hơn kỳ vọng. Tuy vậy, áp lực lạm phát tại Úc vẫn đang ở mức yếu. Theo đó, RBA duy trì LSCS ở mức 0,1%. NHTW này cam kết sẽ giữ CSTT hỗ trợ để đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát tiến tới ngưỡng mục tiêu. RBA khẳng định sẽ không tăng LSCS cho tới khi lạm phát ổn định trong trong ngưỡng 2,0% - 3,0%. Trong tháng 5 sẽ không có các cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, NHTW Châu Âu và NHTW Nhật Bản. Tuy nhiên, trong tháng 6 cả 5 NHTW trên đều có các cuộc họp định kỳ quan trọng, đáng chú ý nhất là cuộc họp của Fed sẽ diễn ra ngày 15-16/05. Trong những ngày vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen cho rằng lãi suất cơ bản đồng USD có thể sẽ cần phải tăng để đảm bảo rằng kinh tế Mỹ không tăng trưởng quá nóng. Tuy nhiên, bà Yellen cũng khẳng định sẽ không có vấn đề về lạm phát, bên cạnh đó bà tôn trọng sự độc lập của Fed và không cố gắng làm ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan này.
Nước Mỹ đón một số thông tin kinh tế không lạc quan. Đầu tiên, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Mỹ được ISM khảo sát lần lượt ở mức 60,7% và 62,7% trong tháng 4, cùng giảm xuống từ 64,7% và 63,7% điểm của tháng 3, cùng trái với dự báo ở mức 65% và 64,2%. Về thị trường lao động, thu nhập bình quân theo giờ của người Mỹ tăng mạnh 0,7% m/m trong tháng 4, trái với dự báo sẽ đi ngang (0,0% m/m) sau khi giảm 0,1% ở tháng trước đó. Nước Mỹ tạo ra 266 nghìn việc làm phi nông nghiệp trong tháng vừa qua, thấp hơn mức 770 nghìn của tháng trước đó và thấp hơn nhiều so với mức 990 nghìn theo kỳ vọng. Quan trọng nhất, tỷ lệ thất nghiệp tại nước Mỹ trong tháng 4 tăng nhẹ lên thành 6,1% từ mức 6,0% của tháng 3, trái với kỳ vọng giảm xuống thành 5,8%. Tuy nhiên, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này tuần kết thúc ngày 01/05 ở mức 498 nghìn đơn, giảm mạnh từ mức 590 nghìn đơn của tuần trước đó, xuống thấp hơn mức 540 nghìn đơn theo dự báo.
Thị trường Eurozone đón một số thông tin kinh tế tích cực. Đầu tiên, doanh số bán lẻ của Eurozone tăng 2,7% m/m trong tháng 3, nối tiếp đà tăng 4,2% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức tăng 1,5% theo dự báo. Tiếp theo, PMI lĩnh vực dịch vụ Eurozone chính thức đạt 50,5 điểm trong tháng 4 vừa qua, được điều chỉnh tăng nhẹ từ mức 50,3 điểm theo khảo sát sơ bộ, và cao hơn mức 49,6 điểm của tháng trước đó. PMI chính thức lĩnh vực sản xuất của khu vực này ở mức 62,9 điểm trong tháng 4, điều chỉnh nhẹ xuống từ 63,3 điểm theo khảo sát sơ bộ, tuy nhiên vẫn tăng so với mức 62,4 điểm của tháng 3. Cuối cùng, chỉ số giá sản xuất PPI tại Eurozone tăng 1,1% m/m trong tháng 4, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng trước đó và khớp với kỳ vọng.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB