Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 18/05/2021

08:00 18/05/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 17/05, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.160 VND/USD, giảm mạnh 16 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.805 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 23.040 VND/USD, giảm mạnh 16 đồng so với phiên 14/05. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 30 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.280 - 23.340 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 17/05, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,02 – 0,06 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giữ nguyên ở kỳ hạn 1M so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 1,22%; 1W 1,26%; 2W 1,37% và 1M 1,44%. Lãi suất chào bình quân LNH USD không thay đổi ở các kỳ hạn ON và 1M trong khi giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn 1W và 2W, giao dịch tại: ON 0,14%; 1W 0,18%; 2W 0,22%, 1M 0,32%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở kỳ hạn 3Y và 15Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên tại: 3Y 0,71%; 5Y 1,15%; 7Y 1,44%; 10Y 2,36%; 15Y 2,61%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường diễn biến trái chiều với sàn HOSE chìm trong sắc đó trong khi HNX tăng tích cực. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,66 điểm (-0,60%) xuống 1.258,7 điểm; HNX-Index tăng 2,07 điểm (+0,70%) lên 296,79 điểm; UPCoM-Index giảm 0,58 điểm (-0,72%) xuống 80,42 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức rất cao với tổng giá trị giao dịch đạt gần 26.300 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 1.305 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ngày 17/05, Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam đã công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2021, trong đó, cảnh báo một số rủi ro đối với nền kinh tế nước ta do dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 tới nay. WB khuyến nghị, nếu cần duy trì hoặc thắt chặt các biện pháp hạn chế mới về đi lại, Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc một gói kích thích tài khóa mới, bao gồm một gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch.  

Tin quốc tế:

Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida nhận định GDP của Mỹ có thể đạt mức tăng trưởng 7,0% trong năm nay, khi các nút thắt về thị trường lao động và nguồn cung của thị trường được giải quyết. Tuy nhiên, ông cũng nhận định sẽ cần nhiều thời gian để nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trở lại, nguyên nhân do dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành tại nhiều nơi trên thế giới.

Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng 9,8% y/y trong tháng 4, thấp hơn mức tăng 14,1% của tháng 3 và sát với dự báo tăng 10,0%. Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại nước này tăng 17,7% y/y trong tháng vừa qua, thấp hơn mức tăng 34,2% của tháng 3 và thấp hơn mức tăng 25,0% theo dự báo. Cuối cùng, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc giảm xuống còn 5,1% trong tháng 4 từ mức 5,3% của tháng trước đó, tích cực hơn mức 5,2% theo dự báo.

Chỉ số giá sản xuất tại Nhật Bản tăng 3,6% y/y trong tháng 4, cao hơn so với mức 1,2% của tháng 3, đồng thời cao hơn mức tăng 3,1% theo kỳ vọng. Đây là mức tăng giá sản xuất lớn nhất của Nhật Bản trong vòng 6 năm. qua Tiếp theo, giá trị đơn đặt hàng máy móc lõi của Nhật Bản tăng 120,8% y/y trong tháng vừa qua, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 65,1% của tháng trước đó.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm