Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 31/05 - 04/06/2021

09:00 07/06/2021

Tổng quan:

 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN chính thức thông tin về việc giảm giá tiền điện đợt 3. Như đã đưa tin trong tuần qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02/06/2021 về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Theo Nghị quyết này, Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, đợt 3 như đề xuất của Bộ Công Thương. Theo thông tin từ Bộ Công thương, Bộ có văn bản hướng dẫn và thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện đợt 3 trong 7 tháng, thực hiện kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến tháng 12/2021. Cụ thể: (i) Hỗ trợ các đối tượng gồm các cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Luật du lịch, hiện đang áp dụng mức giá bán lẻ điện cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất; (ii) Giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19 không thu phí; (iii) Giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19. Danh sách các cơ sở phục vụ phòng chống dịch COVID-19 không thu phí được giảm tiền điện do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực. Sau thời gian hỗ trợ giảm tiền điện, các đơn vị bán lẻ điện tiếp tục áp dụng giá bán điện theo quy định cũ. Theo ước tính của EVN, số tiền hỗ trợ giảm giá điện cho khách hàng là cơ sở lưu trú du lịch khoảng 1.470 tỉ đồng (chưa bao gồm VAT) và số tiền hỗ trợ giảm tiền điện cho các cơ sở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 khoảng 100 tỉ đồng trong đợt này. Đây là lần thứ 3 Chính phủ đồng ý việc giảm giá điện, tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN. Tuy nhiên, quy mô hỗ trợ lần này hẹp hơn đáng kể so với 2 lần trước đó. Trong năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt. Đợt 1 thực hiện từ ngày 16/04/2020 đến hết ngày 16/07/2020, hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khoảng hơn 27 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền giảm khoảng 9.300 tỷ đồng. Đợt 2 thực hiện từ tháng 10-12/2020 đã hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho khoảng 25,4 triệu khách hàng sử dụng điện với tổng số tiền giảm khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện của hai đợt trong năm 2020 khoảng gần 12.300 tỷ đồng.

Về cán cân thương mại, sau nhiều năm liên tục xuất siêu, 5 tháng đầu năm 2021, cả nước đã nhập siêu trở lại. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch XNK hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, XK đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7%; NK đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4%. Tốc độ tăng kim ngạch NK cao hơn kim ngạch XK khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm nhập siêu 369 triệu USD. Như vậy, sau nhiều năm liên tục xuất siêu, 5 tháng đầu năm 2021, nhập siêu đã quay trở lại. Mặc dù con số 369 triệu USD chưa phải là lớn, song cũng làm các chuyên gia kinh tế băn khoăn. Thứ nhất, đó là việc hoạt động XNK của nước ta vẫn chưa cải thiện được sự phụ thuộc vào khu vực FDI. Cụ thể 5 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 12,74 tỷ USD, trong khi đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD. Chỉ cần sản xuất của khu vực này chững lại, nền kinh tế sẽ dễ bị quay lại tình trạng nhập siêu. Khi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát trở lại đầu tháng 4/2021 khiến hoạt động sản xuất của các DN FDI trong các khu công nghiệp, nhất là tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất và XK. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 19,04 tỷ USD, giảm 2,4% so với tháng trước. Thứ hai, trong 5 tháng đầu năm, việc NK hàng tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ tăng cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Đơn cử một mặt hàng ô tô, số liệu thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm 2021, NK ô tô ở mức 3,6 tỷ USD, tăng tới 69,9% so với cùng kỳ năm trước. Về nhóm hàng tiêu dùng, trong 5 tháng qua cả nước cũng nhập khẩu tới 8,16 tỷ USD, tăng 29,5%. Bên cạnh đó, việc NK các mặt hàng nông sản cũng là vấn đề cần được quan tâm khi kim ngạch NK các mặt hàng nông lâm thuỷ sản ở mức 19,57 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi Việt Nam là nước nông nghiệp và đang thúc đẩy để tăng cường XK nông sản.  

Tóm lược thị trường trong nước từ 31/05 - 04/06

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 31/05 - 04/06, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh giảm mạnh đầu tuần, sau đó tăng trở lại. Chốt phiên cuối tuần 04/06, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.138 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.782 VND/USD.

Tỷ giá LNH tuần qua biến động tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 04/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.046 VND/USD, giảm 09 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng chỉ biến động nhẹ. Chốt tuần 04/06, tỷ giá tự do giảm 15 đồng ở chiều mua vào và 10 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.170 – 23.200 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 31/05 - 04/06 đã giảm trở lại ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 04/06, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,37% (-0,10 đpt); 1W 1,50% (-0,07 đpt); 2W 1,59% (-0,04 đpt); 1M 1,69% (-0,01 đpt).

Trong khi đó, lãi suất USD LNH duy trì dao động tăng – giảm nhẹ, chốt tuần không thay đổi ở tất cả các kỳ hạn so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,23% và 1M 0,33%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 31/05 - 04/06, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên qua kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Trên thị trường sơ cấp, trong tuần từ 31/05 - 04/06, KBNN huy động thành công 13.790/15.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 89%). Trong đó, kỳ hạn 7 năm huy động được 500/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động toàn bộ 9.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động 3.920/4.500 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm huy động 370/1.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 7 năm tại 1,36%/năm (-0,09%), kỳ hạn 10 năm tại 2,20%/năm (-0,07%), kỳ hạn 15 năm tại 2,45%/năm (-0,09%) và 20 năm tại 2,91%/năm (+0,01%). Trong tuần qua có 7.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần từ 07/05 – 11/06, KBNN gọi thầu 12.500 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần có 9.700 tỷ đồng TPCP đáo hạn.  

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 12.383 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 19.442 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần 31/05 - 04/06, lợi suất TPCP giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 04/06, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,41% (-0,07 đpt); 2 năm 0,56% (không thay đổi); 3 năm 0,87% (+0,01 đpt); 5 năm 1,13% (-0,02đpt); 7 năm 1,36% (-0,01 đpt); 10 năm 2,24% (-0,04 đpt); 15 năm 2,49% (-0,06 đpt); 30 năm 3,08% (-0,01 đpt).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 31/05 - 04/06 tiếp tục khởi sắc bất chấp việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh. Chốt tuần 04/06, VN-Index đứng ở mức 1.374,05 điểm, tăng mạnh 53,59 điểm (+4,06%) so với tuần trước đó; HNX-Index cũng tăng mạnh 19,30 điểm (+6,22%) lên 329,76 điểm; UPCoM-Index tăng 4,48 điểm (+5,20%) lên 90,59 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng lên mức kỷ lục với giá trị giao dịch đạt trên 31.424 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng mạnh tới hơn 5.270 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

Tin quốc tế

Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế OECD tăng triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo mới nhất ra ngày 01/06, OECD kỳ vọng kinh tế thế giới tăng 5,8% trong năm 2021, cao hơn 0,2 đpt so với dự báo đưa ra hồi tháng 3. Kinh tế Mỹ và Eurozone lần lượt được dự báo tăng 6,9% và 4,3%, cùng tăng 0,4 đpt so với dự báo trước. Anh là nước được nâng triển vọng mạnh nhất, dự báo tăng trưởng 7,2% trong năm nay, cao hơn tới 2,1 đpt so với dự báo trước. Ở chiều ngược lại, Nhật Bản bị hạ triển vọng xuống còn 2,6%; giảm 0,1 đpt. Trong nhóm các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc nổi bật với mức dự báo tăng 8,5%; tăng 0,7 đpt. OECD nhận định thị trường tiêu dùng trên thế giới đang chi ngày càng nhiều hơn cho hàng hóa trong quá trình phục hồi, tuy nhiên chi ít chi tiêu hơn cho lĩnh vực dịch vụ do còn nhiều quốc gia vẫn đang phải đối mặt với sự lây lan của dịch Covid-19. Chính vì thế, trong tương lai, các quốc gia hoạt động mạnh trong các chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ gặt hái được nhiều thuận lợi.

Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế tích cực. Đầu tiên, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ của Mỹ được ISM khảo sát lần lượt ở mức 61,2% và 64,0% trong tháng 5, cùng tăng so với mức 60,7% và 62,7% của tháng trước đó, đồng thời cùng vượt qua mức 60,8% và 63,0% theo dự báo. Về thị trường lao động, thu nhập bình quân theo giờ tại Mỹ tăng 0,5% m/m trong tháng vừa qua, nối tiếp đà tăng 0,7% của tháng trước đó, mạnh hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Nước Mỹ tạo ra 559 nghìn việc làm trong tháng 5, cao hơn mức 278 nghìn của tháng 4 và thấp hơn so với dự báo ở mức 645 nghìn. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này ở mức 5,8% trong tháng 5, giảm đáng kể từ mức 6,1% của tháng trước đó, đồng thời xuống thấp hơn mức 5,9% theo dự báo. Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 29/05 ở mức 385 nghìn đơn, giảm xuống từ mức 406 nghìn đơn của tuần trước đó và tích cực hơn so với mức 400 nghìn đơn theo dự báo.

NHTW Úc RBA không thay đổi CSTT trong cuộc họp đầu tháng 6, bên cạnh đó nước này cũng đón nhiều thông tin kinh tế tích cực. Cụ thể, RBA nhận định kinh tế Úc đang phục hồi mạnh hơn kỳ vọng. Cơ quan này dự báo GDP Úc sẽ tăng trưởng 4,75% trong năm 2021 và 3,5% trong năm 2022. Theo đó, RBA không thay đổi CSTT, duy trì LSCS ở mức thấp 0,1% và tiếp tục kế các kế hoạch thu mua TPCP. Cuối cùng, RBA cam kết sẽ không tăng LSCS cho tới khi lạm phát thực tế ổn định trong ngưỡng mục tiêu 2,0% tới 3,0%. Liên quan tới kinh tế Úc, GDP của nước này tăng 1,8% q/q trong quý I/2021, nối tiếp đà tăng 3,2% của quý trước đó và mạnh hơn mức tăng 1,1% theo dự báo của các chuyên gia. So với cùng kỳ năm 2020, GDP của Úc đã tăng 1,1%. Tiếp theo, doanh số bán lẻ tại Úc tăng 1,1% m/m trong tháng 4, bằng với mức tăng của tháng trước đó và khớp với dự báo. Cuối cùng, cán cân thương mại Úc thặng dư 8,0 tỷ AUD trong tháng 4, cao hơn mức thặng dư 5,57 tỷ của tháng 3, tuy nhiên chưa đạt mức thặng dư 8,35 tỷ như kỳ vọng.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm