Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 09/06/2021

09:00 09/06/2021

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 08/06, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.130 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được NHNN giảm mạnh 150 đồng so với phiên trước đó, niêm yết ở mức 22.975 VND/USD. Tỷ giá bán được niêm yết ở mức 23.774 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 22.952 VND/USD, giảm tiếp 23 đồng so với phiên 07/06. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 20 đồng ở chiều mua vào và 30 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.100 - 23.150 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 08/06, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm mạnh 0,09 – 0,15 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 1,15%; 1W 1,37%; 2W 1,47% và 1M 1,60%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở kỳ hạn ON trong khi giảm trở lại 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 0,15%; 1W 0,18%; 2W 0,23%, 1M 0,33%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn, giao dịch tại: 3Y 0,87%; 5Y 1,12%; 7Y 1,36%; 10Y 2,22%; 15Y 2,48%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, NHNN tiếp tục chào thầu 1.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, có 1,08 tỷ đồng lưu hành trên kênh này.

Thị trường chứng khoán: Hôm qua, thị trường xuất hiện tình trạng bán tháo, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị kéo xuống mức giá sàn. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 38,9 điểm (-2,86%) xuống 1.319,88 điểm; HNX-Index giảm 12,24 điểm (-3,84%) xuống 306,39 điểm; UPCoM-Index giảm 2,66 điểm (-2,99%) xuống 86,4 điểm. Thanh khoản trên thị trường tiếp tục đạt mức rất cao với tổng giá trị giao dịch trên 37.400 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 358 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới WB vừa được công bố ngày 08/06, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2021, giảm nhẹ từ mức dự báo 6,7% trong báo cáo hồi tháng 1/2021 của tổ chức này. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 và 2023 đều được WB dự báo ở mức 6,5%, không thay đổi so với báo cáo trước đó. WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên 5,6% và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lên 8,5% từ mức lần lượt là 4,0% và 7,9%. Các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển được dự báo tăng trưởng 6%, còn các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 5,4% trong năm nay, kinh tế Mỹ và khu vực đồng Euro dự kiến sẽ tăng trưởng lần lượt là 6,8% và 4,2%.             

Tin quốc tế:

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ ngắm vào Trung Quốc với một “lực lượng tấn công mới” để chống lại các hành vi thương mại không công bằng. Các quan chức Mỹ cũng cho biết Bộ Thương mại nước này đang tiến hành điều tra các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm an ninh quốc gia Mỹ. Có thể, Bộ sẽ chuẩn bị công bố một báo cáo được Tổng thống Joe Biden yêu cầu vào tháng 2 liên quan tới những rủi ro mà Mỹ đang gặp khi tiếp cận các mặt hàng dược phẩm và đất hiếm. Hiện tại chưa có phản ứng từ phía Bắc Kinh đối với những tuyên bố từ Washington. Liên quan tới thương mại Mỹ, cán cân thương mại hàng hóa của nước này thâm hụt 68,9 tỷ USD trong tháng 4, không mạnh như mức thâm hụt 75 tỷ của tháng 3 và gần khớp với mức thâm hụt 68,5 tỷ theo dự báo.

Niềm tin kinh tế tại Eurozone giảm xuống còn 81,3 điểm trong tháng 6 từ mức 84,0 điểm của tháng 5, trái với dự báo tăng lên 85,5 điểm. Riêng tại nước Đức, niềm tin kinh tế xuống còn 79,8 điểm trong tháng này, giảm từ 84,4 điểm của tháng 5 và trái với dự báo tăng lên 86,0 điểm. Tiếp theo, sản lượng công nghiệp tại Đức giảm 1,0% m/m trong tháng 4 sau khi tăng 2,2% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,3%.

GDP của Nhật trong quý 1 chính thức giảm 1,0% q/q; được điều chỉnh bớt tiêu cực hơn so với mức giảm 1,3% theo thống kê sơ bộ. Tiếp theo, thu nhập bình quân tại nước Nhật trong tháng 4 tăng 1,6% y/y; cao hơn mức tăng 0,6% của tháng trước đó, đồng thời vượt mức tăng 0,8% theo kỳ vọng. Cuối cùng, cán cân vãng lai của nước này thặng dư 1,55 nghìn tỷ JPY trong tháng 4, thấp hơn mức thặng dư 1,70 nghìn tỷ của tháng 3 và thấp hơn mức 1,60 nghìn tỷ theo dự báo.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm