Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 04/12 - 08/12/2023

08:01 11/12/2023

Tổng quan:

Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu và đồng minh (OPEC+) tuyên bố tại cuộc họp cuối tháng 11 vừa qua.

Nhóm OPEC+ ngày 30/11 đã đồng ý cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày trong quý đầu năm 2024. Kể từ tháng 11/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới) nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu. Ả-rập Sau-di đã tiếp tục cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày; Nga cam kết cắt giảm nguồn cung sâu hơn từ 300.000 thùng/ngày lên mức 500.000 thùng/ngày; một số nhà sản xuất OPEC+ khác đã công bố cắt giảm tự nguyện bổ sung, nâng tổng mức cắt giảm nguồn cung của OPEC+ lên 2,2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024. Đó là chưa kể mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày của Nga thông qua việc giảm xuất khẩu 300.000 thùng dầu thô và 200.000 thùng/ngày các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

Tuy nhiên, giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng trong phiên 07/12, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ xuống 74,3USD/thùng trên thị trường London, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giảm xuống mức 69,38USD/thùng. Số liệu cho thấy, giá dầu đã giảm gần 11% tính từ mức đóng cửa ngày 29/11/2023 đến nay. Theo các chuyên gia, hiện tại, nguồn cung dồi dào của Mỹ đã đẩy giá dầu thế giới đi xuống. Theo dữ liệu mới nhất từ EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ đạt kỷ lục mới là 13,236 triệu thùng/ngày trong tháng 11. Tuần kết thúc vào ngày 01/12, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 5,4 triệu thùng lên 223,6 triệu thùng, gấp 5 lần so với kỳ vọng tăng 1 triệu thùng của các nhà phân tích. Có thể thấy rõ một thực tế rằng, OPEC ngày càng mất quyền lực trên thị trường dầu khi sản lượng của Mỹ chiếm tới 80% tổng mức tăng nguồn cung dầu toàn cầu trong năm nay. Ngoài ra, một phần lý do khiến giá dầu giảm bất chấp thông báo của OPEC+ là thực tế, giới đầu tư nghi ngờ một số việc cắt giảm sẽ chỉ là trên danh nghĩa và sự thiếu thống nhất trong nội bộ OPEC+.

Về trung hạn, thị trường tập trung nhiều hơn vào các yếu tố cầu chứ không phải nguồn cung. Nỗi lo về sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như nhu cầu nhiên liệu tương lai gây sức ép lên giá dầu. Mới đây, Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody đã hạ triển vọng của Trung Quốc xuống mức “tiêu cực” từ mức “ổn định” trước đó. Standard Chartered đã dự đoán tăng trưởng nhu cầu sản phẩm dầu của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 516 nghìn thùng/ngày vào năm 2024 từ mức 819 nghìn thùng/ngày vào năm 2023, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP giảm xuống 4,8% vào năm 2024 từ mức 5,4% năm 2023. Bên cạnh đó, lo ngại về suy thoái kinh tế ở nhiều nước và khu vực trong năm 2024, trong đó có Mỹ, Khu vực Châu Âu…, cũng góp phần khiến giá dầu giảm.

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu sau kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 07/12 như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.290 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 22.322 đồng/lít; Dầu diesel không quá 19.721 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 20.922 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.527 đồng/kg. Theo đó, giá xăng RON 95 giảm nhiều nhất, 668 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm ít nhất, 194 đồng/lít. Như vậy, tính từ đầu năm, giá xăng đã trải qua 35 lần điều chỉnh giá, với 19 lần tăng, 12 lần giảm, 3 lần giữ nguyên và 1 lần tăng - giảm trái chiều.     

Tóm lược thị trường trong nước từ 04/12 - 08/12

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 04/12 – 08/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng - giảm luân phiên. Chốt ngày 08/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.951 VND/USD, tăng 28 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.098 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá LNH dao động tăng – giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên 08/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.219 VND/USD, giảm mạnh 71 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 08/12, tỷ giá tự do tăng 20 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.620 VND/USD và 24.700 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 04/12 – 08/12, lãi suất VND LNH biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 08/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,20% (không thay đổi); 1W 0,36% (+0,04 đpt); 2W 0,58% (+0,02 đpt); 1M 1,10% (+0,06 đpt).

Lãi suất USD LNH ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 08/12, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,05% (không thay đổi); 1W 5,16% (-0,03 đpt); 2W 5,24% (-0,03 đpt) và 1M 5,34% (-0,03 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 04/12 – 08/12, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Có 14.999,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 14.999,9 tỷ đồng, không còn khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường.      

Thị trường trái phiếu: Ngày 04/12, Ngân hàng CSXH gọi thầu 3.922 tỷ đồng TPCPBL kỳ hạn 15Y, trong đó, có 3.101 tỷ đồng TPCPBL trúng thầu, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 79%. Lãi suất trúng thầu ở mức 3,10% (-0,30 đpt so với phiên gọi thầu trước).

Ngày 06/12, KBNN chào thầu 5.000 tỷ đồng TPCP. Khối lượng trúng thầu là 3.200 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 64%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 200 tỷ đồng/500 tỷ đồng chào thầu, kỳ hạn 10Y và 15Y mỗi kỳ hạn huy động được 1.500 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng chào thầu, kỳ hạn 30Y chào thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 1,58% (-0,02 đpt so với phiên tuần trước), 10Y 2,25% (-0,03 đpt), 15Y 2,45% (-0,03 đpt).

Trong tuần này, ngày 13/12, KBNN chào thầu 4.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 10Y và 15Y chào thầu 1.500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.055 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 8.176 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tiếp tục xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ kỳ hạn 10Y và 15Y. Chốt phiên 08/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,62% (-0,02 đpt); 2Y 1,62% (-0,02 đpt); 3Y 1,62% (-0,02 đpt); 5Y 1,58% (-0,13đpt); 7Y 2,14% (-0,01 đpt); 10Y 2,34% (+0,02 đpt); 15Y 2,55% (+0,01 đpt); 30Y 3,1% (-0,01 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 04/12 – 08/12, thị trường có tuần tăng điểm tích cực nhưng cũng trải qua nhiều phiên rung lắc mạnh khi leo lên gần ngưỡng kháng cự 1.130 điểm. Chốt phiên 08/12, VN-Index đứng ở mức 1.124,44 điểm, tăng 22,28 điểm (+2,02%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,94 điểm (+2,18%) lên mức 231,20 điểm; UPCom-Index thêm 0,52 điểm (+0,61%) đạt 85,71 điểm.

Thanh khoản thị trường trung bình đạt 23.337 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với 14.550 tỷ đồng/phiên ở tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 2.816 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng, trong đó thị trường lao động cho thấy sự ổn định trong môi trường lãi suất cao. Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết quốc gia này tạo ra 199 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 11, cao hơn mức 150 nghìn ở tháng 10, đồng thời vượt qua mức 184 nghìn theo kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng giảm xuống mức 3,7% trong tháng vừa qua, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 3,9% như kết quả thống kê tháng 10. Thu nhập bình quân theo giờ của người dân Mỹ tăng 0,4% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 0,2% ở tháng trước đó, đồng thời vượt qua kỳ vọng tăng 0,3%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 03/12 là 220 nghìn đơn, tăng không nhiều so với mức 219 nghìn đơn ở tuần trước đó và gần khớp với mức 221 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 220,8 nghìn, chỉ tăng nhẹ 0,5 nghìn so với trung bình 4 tuần trước đó. Tiếp theo, Viện Quản lý cung ứng Mỹ ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước này ở mức 52,7% trong tháng 11, tăng lên từ 51,8% của tháng 10, đồng thời vượt qua mức 52,2% theo dự báo. Cuối cùng, theo khảo sát từ Đại học Michigan, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ ở mức 69,4 điểm trong tháng 12, tăng từ 61,3 điểm của tháng 11 và vượt mạnh so với dự báo ở mức 62,0 điểm. Trong tuần này, thị trường chờ đợi các thông tin về CPI Mỹ. Quan trọng hơn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ có cuộc họp CSTT cuối năm ngày 12-13/12, kết quả của cuộc họp được công bố vào sáng sớm ngày 14/12 theo giờ Việt Nam.

NHTW Úc RBA không tăng LSCS trong cuộc họp cuối năm, bên cạnh đó quốc gia này đón một số chỉ báo kinh tế đáng chú ý. Trong phiên họp diễn ra ngày 05/12, RBA nhận định chỉ số CPI tháng 10 cho thấy lạm phát vẫn ở mức cao và đang đè nặng lên thu nhập thực tế của người dân cũng như mức độ tiêu dùng của các hộ gia đình. Theo đó, cơ quan này quyết định không thay đổi LSCS ở mức 4,35%, khớp với dự báo của thị trường. RBA cho biết việc có thắt chặt hơn nữa CSTT hay không sẽ phụ thuộc vào dữ liệu trong những cuộc họp tới. RBA giữ vững mục tiêu đưa lạm phát về mức 2,0% - 3,0% trong một thời gian hợp lý, và sẽ làm những gì cần thiết để đạt được mục tiêu này. Liên quan đến kinh tế Úc, GDP nước này tăng 0,2% q/q trong quý 3, giảm tốc so với mức 0,4% của quý trước đó và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 0,5%. So với cùng kỳ năm 2022, GDP Úc quý 3 tăng 2,1% y/y. Cuối cùng, về thương mại Úc, kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt 45,5 tỷ AUD trong tháng 10, tương đương tăng 0,4% m/m. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 38,4 tỷ, giảm 1,9% m/m. Theo đó, cán cân thương mại của nước này thặng dư 7,1 tỷ AUD trong tháng 10, cao hơn mức thặng dư 6,2 tỷ của tháng trước đó, song vẫn thấp hơn so với dự báo thặng dư 7,8 tỷ AUD.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 04/12 - 08/12/2023

Đọc thêm