Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 27/11 - 01/12/2023

08:13 04/12/2023

Tổng quan:

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, bức tranh kinh tế Việt Nam 11 tháng đầu năm 2023 vẫn chưa thể đột phá, mặc dù có nhiều gam sáng nhưng vẫn còn những lĩnh vực chủ chốt tăng trưởng chậm hoặc giảm so với cùng kỳ 2022.

Ở chiều tích cực, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu. So với tháng 12/2022, CPI tháng 11 tăng 3,46% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%. Trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong tháng 11, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,9% làm CPI chung tăng 0,16 đpt, nhóm giáo dục tăng 0,38%... Lạm phát cơ bản là điểm đáng lưu ý. Lạm phát cơ bản tháng 11/2023 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,22%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 11 tháng giảm 12,12% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 7,5%. Đây là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài 11 tháng tăng gần 15%, mức cao nhất kể từ đầu năm. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2023 đạt gần 28,85 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN tiếp tục duy trì mức tăng mạnh, góp phần đưa mức tăng của 11 tháng lên mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay (14,8%). Với 2.865 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 16,41 tỷ USD, vốn đăng ký cấp mới 11 tháng đã tăng 58,1% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 42,4% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp CBCT được cấp phép mới FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 14,26 tỷ USD, chiếm 86,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh BĐS đạt 858,4 triệu USD, chiếm 5,2%; các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 7,9%. Tương tự, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN cũng có mức tăng mạnh với 3.166 lượt có tổng giá trị góp vốn 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Trái lại, vốn đăng ký điều chỉnh 11 tháng giảm 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2023 ước đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.

Hoạt động thương mại dịch vụ tháng 11 diễn ra khá sôi động để chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ lớn cuối năm và chào mừng năm mới 2024. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 ước tính tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,3%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 50,5%. Điểm ấn tượng nhất là hơn 1,23 triệu lượt khách quốc tế đã đến Việt Nam trong tháng 11, tăng 11% so với tháng 10, lập kỷ lục là tháng đón nhiều khách nhất từ đầu năm đến nay. Tính chung trong 11 tháng qua, Việt Nam đã đón hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế, vượt kế hoạch đề ra đầu năm 40%; gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước và bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2019 – trước đại dịch Covid-19.

Ở chiều ngược lại, thu NSNN chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, XNK vẫn giảm mặc dù thặng dư CCTM ở mức cao, các ngành công nghiệp, đặc biệt CN CBCT, tăng trưởng thấp khiến bức tranh kinh tế 11 tháng vẫn chưa hoàn toàn tích cực. Cụ thể, tổng thu NSNN tháng 11/2023 ước sụt giảm trên 25% so với tháng trước; lũy kế tổng thu NSNN 11 tháng năm 2023 ước bằng 94,9% dự toán năm và giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù Bộ Tài chính dự báo có thể hoàn thành mục tiêu thu NHNN năm nay, nhưng hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các khoản thu chính đều sụt giảm. Cụ thể, thu nội địa lũy kế 11 tháng năm 2023 ước bằng 95,4% dự toán năm và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; thu từ dầu thô lũy kế 11 tháng năm 2023 ước vượt 35,9% so với dự toán đề ra nhưng giảm 19,3% so với cùng kỳ; thu cân đối NS từ hoạt động XNK lũy kế 11 tháng năm 2023 có tốc độ thu rất chậm, mới bằng 86,5% dự toán năm và giảm sâu nhất, lên tới 22,4%. Trong khi đó, lũy kế chi NSNN 11 tháng ước bằng 72,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên bằng 81,3% dự toán năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; chi ĐTPT đạt 63,4% và tăng 36,3%; chi trả nợ lãi bằng 84% và tăng 3,4%. Như vậy, tính hết tháng 11, NSNN chỉ còn duy trì thặng dư 34,7 nghìn tỷ đồng và ngày càng co hẹp so với những tháng trước đó. Về thương mại quốc tế, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, tuy CCTM hàng hóa thặng dư tới 22,44 tỷ USD, tổng kim ngạch XNK hàng hóa sơ bộ mới đạt 587,68 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK giảm 6,4%; NK giảm tới 11,7%. Về sản xuất công nghiệp, mặc dù có xu hướng phục hồi tích cực mấy tháng gần đây, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tính chung 11 tháng ước chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2022 tăng 8,4%); trong đó, ngành CBCT tăng 1,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,7%). Bên cạnh đó, S&P Global công bố, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 11 đã giảm ở mức thấp trong vòng 5 tháng trở lại đây, xuống mức 47,3 điểm từ mức 49,6 điểm của tháng 10. Nhu cầu yếu ở cả trong và ngoài nước đã khiến ngành sản xuất Việt Nam suy giảm trong tháng 11, đồng thời một phần thể hiện phản ứng của khách hàng với tình trạng giá cả tăng. S&P Global nhận định, ngành sản xuất Việt Nam cần sẵn sàng bước vào năm 2024 với tình trạng khá ảm đạm, hy vọng nhu cầu sẽ sớm tăng trở lại.     

Tóm lược thị trường trong nước từ 27/11 - 01/12

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 27/11 – 01/12, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở 2 phiên đầu tuần và cuối tuần, giảm 3 phiên giữa tuần. Chốt ngày 01/12, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.923 VND/USD, giảm nhẹ 04 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.069 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá LNH dao động tăng – giảm đan xen qua các phiên. Kết thúc phiên 01/12, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.290 VND/USD, tăng 22 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tăng nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 01/12, tỷ giá tự do tăng 160 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 24.600 VND/USD và 24.650 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Tuần từ 27/11 – 01/12, lãi suất VND LNH biến động tăng - giảm nhẹ qua các phiên. Chốt ngày 01/12, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,20% (không thay đổi); 1W 0,32% (+0,02 đpt); 2W 0,56% (+0,07 đpt); 1M 1,04% (+0,06 đpt).

Lãi suất USD LNH cũng ít biến động ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 01/12, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,05% (-0,01 đpt); 1W 5,16% (+0,02 đpt); 2W 5,27% (+0,02 đpt) và 1M 5,37% (+0,02 đpt).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 27/11 – 01/12, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Có 56.750 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 56.750 tỷ đồng ra thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 14.999,9 tỷ đồng.      

Thị trường trái phiếu: Ngày 29/11, KBNN chào thầu 6.000 tỷ đồng TPCP, có 5.550 tỷ đồng thúng thầu (tỷ lệ trúng thầu là 93%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 550 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng chào thầu, kỳ hạn 10Y và 15Y huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng chào thầu mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 30Y huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng chào thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 1,60% (-0,04 đpt so với phiên tuần trước), 10Y 2,28% (-0,09 đpt), 15Y 2,48% (-0,11 đpt), 30Y 3,05% (không thay đổi).

Trong tuần này, ngày 04/12, Ngân hàng CSXH gọi thầu 3.101 tỷ đồng TPCPBL kỳ hạn 15Y và UBND tỉnh Khánh Hòa gọi thầu 500 tỷ đồng TPCQĐP kỳ hạn 10Y. Ngày 06/12, KBNN chào thầu 5.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 10Y và 15Y chào thầu 2.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 8.176 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ từ mức 7.790 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tiếp tục xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ kỳ hạn 7Y. Chốt phiên 01/12, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,63% (-0,02 đpt); 2Y 1,63% (-0,02 đpt); 3Y 1,64% (-0,03 đpt); 5Y 1,72% (-0,02đpt); 7Y 2,15% (+0,01 đpt); 10Y 2,33% (-0,08 đpt); 15Y 2,54% (-0,09 đpt); 30Y 3,11% (-0,06 đpt).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ 27/11 – 01/12, các chỉ số trên thị trường chứng khoán chưa xác định rõ xu hướng, tăng giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 01/12, VN-Index đứng ở mức 1.102,16 điểm, tăng 6,55 điểm (+0,60%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index nhích 0,16 điểm (+0,07%) lên mức 226,26 điểm; UPCom-Index thêm 0,20 điểm (+0,24%) đạt 85,19 điểm.

Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình trên 14.550 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Nước Mỹ ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, theo báo cáo sơ bộ lần 2, GDP quý 3 của nước này được điều chỉnh lên mức tăng 5,2% q/q, cao hơn so với mức tăng 4,9% theo báo cáo ban đầu, đồng thời tích cực hơn mức tăng 5,0% theo dự báo của Reuters. Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE lõi tại quốc gia này (thước đo lạm phát chính của Fed) tăng nhẹ 0,2% m/m trong tháng 10, thấp hơn mức tăng 0,3% của tháng trước đó và khớp với dự báo. Bên cạnh đó, PCE toàn phần trong tháng 10 chỉ đi ngang (0,0% m/m) sau khi tăng 0,4% ở tháng 9. So với cùng kỳ 2023, PCE lõi và PCE toàn phần lần lượt tăng 3,5% và 3,0%, cùng hạ nhiệt so với mức tăng 3,7% và 3,4% ở tháng 9. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 25/11 ở mức 218 nghìn đơn, tăng lên từ mức 211 nghìn đơn của tuần trước đó và gần khớp với dự báo ở mức 219 nghìn. Tiếp theo, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 46,7% trong tháng 11, không thay đổi so với kết quả khảo sát tháng 10, trái với kỳ vọng tăng nhẹ lên mức 47,9%. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 102 điểm trong tháng 11, tăng lên từ mức 99 điểm của tháng 10 và vượt qua mức 101 điểm theo dự báo. Trong tháng 12, thị trường chờ đợi cuộc họp cuối năm của Fed. Trong cuộc họp này, Fed sẽ đưa ra quyết định về LSCS, bên cạnh đó sẽ dự báo triển vọng kinh tế, lạm phát và đường đi của LSCS trong tương lai. Hiện tại, theo dự báo của CME, có 97% khả năng Fed không thay đổi LSCS ở mức 5,25 – 5,50% trong cuộc họp này và chỉ 3% khả năng tăng LSCS thêm 25 đcb. Theo kịch bản chiếm ưu thế, Fed có thể giữ LSCS đi ngang trong ngắn hạn và bắt đầu cắt giảm trở lại kể từ 20/03/2024 với tổng cộng 5 lần hạ LSCS trong cả năm. LSCS cuối 2024 được CME dự báo ở mức 4,0% - 4,25%. Mặc dù vậy, trong buổi họp báo ngày 01/12 tại Washington, Chủ tịch Fed Jerome Powell vẫn khẳng định vẫn còn quá sớm để suy đoán về thời điểm cơ quan này bắt đầu cắt giảm lãi suất, bất chấp những tiến bộ gần đây trong cuộc chiến với lạm phát.

Khu vực Eurozone đón một số thông tin đáng chú ý. Cụ thể, về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi và CPI toàn phần tại Eurozone lần lượt tăng 3,6% và 2,4% y/y trong tháng 11 theo báo cáo sơ bộ, cùng giảm tốc nhanh so với mức tăng 4,2% và 2,9% ở tháng trước đó, đồng thời cùng thấp hơn mức 3,9% và 2,7% theo dự báo. Kết quả trên đang chứng minh những gì mà NHTW Châu Âu ECB nhận định, rằng LSCS đang ở mức đủ cao để góp phần vào việc hạ lạm phát theo thời gian. Tiếp theo, về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone ở mức 6,5% trong tháng 10, đi ngang so với kết quả thống kê của tháng 9. Về nước Đức nói riêng, CPI tại quốc gia này giảm 0,4% m/m trong tháng 11 sau khi đi ngang (0,0% m/m) tháng trước đó, sâu hơn mức giảm 0,1% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tại Đức tăng 3,2% y/y, cũng hạ xuống từ mức 3,8% ghi nhận trong tháng 10.

 

Đọc thêm