Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 14/06 - 18/06/2021

09:00 21/06/2021

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 14/06 - 18/06/2021

Tổng quan:

Thông tin tài chính nổi bật được thị trường quan tâm nhất trong tuần qua là cuộc họp chính sách tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ FOMC thuộc Fed đã quyết định tiếp tục giữ lãi suất ở mức gần bằng 0 trong phiên họp chính sách vừa qua, đồng thời cũng nhắc lại cam kết đối với chương trình mua tài sản 120 tỷ USD tài sản mỗi tháng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Quyết định này được đưa ra khi các quan chức cho rằng, tiến bộ về tiêm chủng có thể sẽ tiếp tục làm giảm tác động của cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tới kinh tế, nhưng vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro. Biên bản cuộc họp cũng cho thấy Fed sẽ tiếp tục duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng này ít nhất trong những tháng còn lại của năm 2021, mặc dù có những thách thức trong kiểm soát lạm phát. Fed dự báo lạm phát tại Mỹ trong năm 2021 ở khoảng 3,4% (cao hơn mức 2,4% của dự báo hồi tháng 03/2021), nhưng sẽ giảm xuống còn 2,1% vào năm 2022. Ngoài ra, GDP của Mỹ được dự báo tăng 7,0% trong năm nay (cao hơn mức 6,5% theo dự báo trước). Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn được dự báo ở mức cao 4,5% vào cuối năm 2021.

Điểm đáng chú ý nhất sau cuộc họp này là Fed cho thấy dấu hiệu thắt lại chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của thời Covid-19, bằng dự báo đẩy nhanh kế hoạch tăng lãi suất và mở ra cuộc thảo luận về cắt giảm chương trình mua tài sản. Tuyên bố của Fed đã bỏ đoạn nói rằng cuộc khủng hoảng Covid “tiếp tục gây sức ép” lên nền kinh tế - một nội dung thường trực trong các tuyên bố của Fed kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thay vào đó, Fed nói rằng tác dụng của vaccine “sẽ tiếp tục giảm bớt tác động” của đại dịch. Qua đó, 13/18 quan chức FOMC dự báo lãi suất sẽ tăng trong 2023, chỉ có 5 người cho rằng lãi suất sẽ giữ nguyên cho tới hết năm 2023. Trong đó, 11 quan chức cho rằng lãi suất sẽ tăng hai lần trong 2023, mỗi lần tăng 0,25%. Thậm chí, có 7 quan chức FOMC dự báo lãi suất tăng trong năm 2022 – cho thấy khả năng Fed có thể hành động sớm hơn nữa. Trước đó, tại biên bản họp tháng 3, hầu hết các quan chức thống nhất sẽ giữ nguyên lãi suất cho tới cuối 2023. Có thể thấy, Fed cho rằng đến thời điểm này, đại dịch không còn là thách thức lớn nhất đối với kinh tế Mỹ và nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng.

Mặt khác, trên thực tế, Fed có hai nhiệm vụ: toàn dụng nhân công và giữ lạm phát ổn định ở mức khoảng 2%. Khi đại dịch mới xảy ra, phản ứng chính sách của Fed là cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu với khối lượng lớn đã giúp ích trên cả hai mặt. Chính sách này đã hữu hiệu khi hỗ trợ nền kinh tế hoạt động tới khi các nhà khoa học phát triển vắc-xin và người Mỹ tìm ra cách sống trong một thế giới Covid. Mặc dù vậy, đến thời điểm diễn ra cuộc họp tháng 6, lạm phát đang vượt quá mục tiêu của Fed trong khi thị trường việc làm vẫn cần thời gian để cải thiện. Nếu Fed tăng lãi suất sẽ giúp giảm lạm phát, nhưng cũng sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm tổn thương thị trường lao động đang trong giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, việc tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài có thể tăng nguy cơ gây ra lạm phát cao hơn. Một số chuyên gia cho rằng, trong cuộc họp vào tháng 6 vừa qua, FOMC quyết định, thị trường việc làm vẫn là mối quan tâm lớn hơn, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tháng 5 vẫn ở mức 5,8% và tin rằng, lạm phát tăng cao trong năm 2021 chỉ là “tạm thời”. Vì vậy, Fed vẫn cam kết dùng chính sách tiền tệ để hỗ trợ sự hồi phục của thị trường việc làm, nhắc lại rằng sẽ không thay đổi chính sách cho tới khi “có thêm bước tiến lớn” trên thị trường lao động. Đồng thời, sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định lại, Fed sẽ cung cấp cho thị trường nhiều thông báo trước khi cơ quan này thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng đã sử dụng trong bối cảnh dịch bệnh từ năm ngoái.

Chịu tác động từ quyết định của Fed, theo các chuyên gia, nỗi lo lớn nhất lúc này là lạm phát leo thang sẽ buộc các NHTW phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến, đặt ra trở ngại cho tăng trưởng kinh tế giữa lúc nền kinh tế thế giới còn chưa hồi phục hoàn toàn từ đại dịch Covid-19. Thực tế, một số NHTW như NHTW Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ… đã nâng lãi suất cơ bản trong thời gian gần đây. NHTW Châu Âu ECB và NHTW Nhật BOJ cũng có khả năng sẽ điều chỉnh theo hướng của Fed. Trong một bài phát biểu ngày 17/06, Thống đốc NHTW Úc RBA cho biết, RBA sẽ xem xét lại các kịch bản CSTT trong cuộc họp tháng tới, trong đó có thể điều chỉnh dự kiến tăng LSCS.  

Tóm lược thị trường trong nước từ 14/06 - 18/06

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 14/06 - 18/06, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh theo xu hướng tăng, đặc biệt tăng mạnh phiên cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.148 VND/USD, tăng mạnh trở lại 47 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 22.975 đồng. Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt phiên cuối tuần ở mức 23.792 VND/USD.

Tỷ giá LNH tuần qua cũng trong xu hướng tăng. Chốt phiên cuối tuần 18/06, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23.010 VND/USD, tăng mạnh 65 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Trong tuần qua, tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng qua hầu hết các phiên. Chốt tuần 18/06, tỷ giá tự do tăng 65 đồng ở chiều mua vào và 85 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.095 – 23.165 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Lãi suất VND LNH trong tuần từ 14/06 - 18/06 dao động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt phiên 18/06, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,07% (+0,04 đpt); 1W 1,25% (+0,05 đpt); 2W 1,35% (+0,02 đpt); 1M 1,53% (không thay đổi).

Tương tự, lãi suất USD LNH cũng tiếp tục biến động tăng – giảm nhẹ, chốt tuần không thay đổi ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên cuối tuần trước đó, đóng cửa tại: ON 0,15%; 1W 0,19%; 2W 0,24% và 1M 0,34%.

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ 14/06 - 18/06, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên ở tất cả 5 phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, có 1,08 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này, như vậy NHNN hút ròng 1,08 tỷ đồng từ thị trường trong tuần qua. Không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN. 

Thị trường trái phiếu: Trên thị trường sơ cấp, Trong tuần từ 14/06 - 18/06, KBNN gọi thầu 5.000 tỷ đồng TPCP, giảm mạnh so với mức gọi thầu 12.500 của tuần trước đó. Trong đó, kỳ hạn 7 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm gọi thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng. Kết quả, phiên đấu thầu thất bại. Tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu của kỳ hạn 7 năm và 15 năm ở mức khá cao, trên 2 lần; kỳ hạn 20 năm ở mức trên 1 lần. Trong tuần qua có 6.717 tỷ đồng TPCP đáo hạn. Tuần này từ 21/06 – 25/06, KBNN gọi thầu 7.000 tỷ đồng TPCP, tăng so với mức 5.000 tỷ đồng của tuần trước. Trong tuần này sẽ có 10.170 tỷ đồng TPCP đáo hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 11.992 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 10.124 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP chủ yếu giảm trong tuần vừa qua. Chốt phiên 18/06, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,40% (-0,01 đpt); 2 năm 0,56% (-0,01 đpt); 3 năm 0,88% (không thay đổi); 5 năm 1,09% (-0,001đpt); 7 năm 1,32% (-0,01 đpt); 10 năm 2,17% (-0,01 đpt); 15 năm 2,45% (-0,01 đpt); 30 năm 3,08% (không thay đổi).

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán tuần từ 14/06 - 18/06 tăng tương đối tích cực ở cả 3 sàn. Kết thúc phiên cuối tuần 18/06, VN-Index đứng ở mức 1.377,77 điểm, tăng 26,03 điểm (+1,93%) so với tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,04 điểm (+0,64%) đạt 318,73 điểm; UPCoM-Index tăng 1,29 điểm (+1,45%) lên 90,22 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh so với tuần trước đo với giá trị giao dịch đạt trên 27.627 tỷ đồng/phiên. Mặc dù có phiên mua ròng khá mạnh cuối tuần, chốt tuần khối ngoại vẫn bán ròng hơn 577 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Mỹ đón một số chỉ báo kinh tế trái chiều. Đầu tiên, doanh số bán lẻ toàn phần của Mỹ giảm 0,7% m/m trong tháng 5 sau khi đi ngang (0,0% m/m) ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng tăng 0,4%. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ lõi của nước này giảm 1,3% m/m trong tháng 5 sau khi tăng 0,9% ở tháng 4, sâu hơn mức giảm 0,6% theo dự báo. Tiếp theo, số cấp phép xây dựng và số nhà khởi công tại Mỹ trong tháng vừa qua lần lượt ở mức 1,68 triệu đơn và 1,57 triệu căn, cùng thấp hơn mức 1,73 triệu đơn và 1,64 triệu căn theo kỳ vọng của các chuyên gia. Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 12/06 ở mức 412 nghìn đơn, tăng khá mạnh từ 375 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với kỳ vọng giảm xuống còn 360 nghìn đơn. Về thông tin tích cực duy nhất, sản lượng công nghiệp tại Mỹ tăng 0,8% m/m trong tháng 5, nối tiếp đà tăng 0,6% của tháng trước đó và vượt qua mức tăng 0,5% theo dự báo.

Nước Anh đón một số thông tin kinh tế quan trọng. Đầu tiên, về thị trường lao động Anh, thu nhập bình quân của người dân nước này trong 3 tháng 02-03-04/2021 tăng 5,6% 3m/y; cao hơn nhiều so với mức 4,3% của 3 tháng 01-02-03/2021; đồng thời vượt qua mức tăng 4,9% theo kỳ vọng. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước Anh giảm 92,6 nghìn đơn trong tháng 4, mạnh hơn mức giảm 15,1 nghìn của tháng 3 và trái với dự báo tăng thêm 25 nghìn. Tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này trong tháng 4 giảm xuống còn 4,7% từ mức 4,8% của tháng 3, đồng thời khớp với dự báo của các chuyên gia. Tiếp theo, CPI toàn phần và CPI lõi tại nước Anh lần lượt tăng 2,1% và 2,0% y/y trong tháng 5, cao hơn mức tăng 1,5% và 1,3% của tháng trước đó, đồng thời vượt qua mức tăng 1,8% và 1,5% theo dự báo. Như vậy, tháng 5 đánh dấu mức CPI toàn phần cao nhất của nước này kể từ tháng 08/2019. Cuối cùng, doanh số bán lẻ tại Anh giảm 1,4% m/m trong tháng 5 sau khi tăng mạnh 9,2% ở tháng 4, trái với kỳ vọng tiếp tục tăng 1,5%.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB

Đọc thêm