Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 27/04, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.639 VND/USD, giảm 06 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.770 VND/USD; thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 23.450 VND/USD, giảm mạnh 30 đồng so với phiên 26/04. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 23.450 VND/USD và 23.500 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 27/04, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục giảm 0,12 – 0,42 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 4,10%; 1W 4,72%; 2W 4,86% và 1M 5,28%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W; giao dịch tại: ON 4,65%; 1W 4,75%; 2W 4,88%, 1M 5,0%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm khá mạnh ở tất cả các kỳ hạn, cụ thể: 3Y 2,68%; 5Y 2,68%; 7Y 2,87%; 10Y 3,22%; 15Y 3,34%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở hai kỳ hạn 14 ngày và 28 ngày, đều với khối lượng 10.000 tỷ đồng kỳ hạn và lãi suất 5,0%. Có 1.652,15 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, không có khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 28 ngày; không có khối lượng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 1.652,15 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng lên mức 66.283,04 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành giữ ở mức 110.699,8 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Hôm qua, dư âm của phiên trước giúp thị trường giao dịch khá tích cực khi mở đầu phiên, tuy nhiên, dòng tiền thận trọng trước kỳ nghỉ lễ khiến các chỉ số dần “hụt hơi”. Chốt phiên, VN-Index giảm 1,17 điểm (-0,11%) xuống mức 1.039,63 điểm; HNX-Index nhích nhẹ 0,02 điểm (+0,01%) lên 205,86 điểm; UPCoM-Index mất 0,59 điểm (-0,76%) về 77,42 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch trên 9.900 tỷ VND. Khối ngoại bán ròng hơn 309 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”, OECD dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2023 và 6,6% trong năm 2024, với các mức lạm phát tương ứng là 4,3% và 3,7%. Báo cáo lưu ý, triển vọng kinh tế toàn cầu hiện nay còn nhiều bất ổn, thế giới vẫn tiếp tục lo lắng về những “cơn gió ngược” đã quan sát được với nhiều rủi ro và nguy cơ. Những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng… có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tin quốc tế:
Kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh trong quý đầu năm. Văn phòng thống kê Mỹ cho biết GDP của nước này chỉ tăng 1,1% q/q trong quý 1/2023, thấp hơn nhiều so với đà tăng 2,6% của quý trước đó và đồng thời yếu hơn mức tăng 2,0% theo dự báo của các chuyên gia. Theo Bloomberg, dữ liệu trên cho thấy nền kinh tế Mỹ đang dần suy yếu dưới sức nặng của lạm phát cùng lãi suất cao. Mặc dù vậy, theo công cụ dự báo của CME, vẫn có tới 87% khả năng Fed sẽ tăng LSCS trong cuộc họp tiếp theo ngày 03/05, và chỉ 13% khả năng giữ LSCS đi ngang ở mức 4,75% - 5,0%. Liên quan tới kinh tế Mỹ, doanh số nhà chờ bán tại nước này giảm mạnh 5,2% m/m trong tháng 3 sau khi tăng 0,8% ở tháng trước đó, trái với dự báo tiếp tục tăng nhẹ 0,6%. So với cùng kỳ năm 2023, doanh số nhà chờ bán trong tháng 3 giảm tới 23,2%. Tuy nhiên, trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 21/04 ở mức 230 nghìn đơn, giảm từ mức 245 nghìn đơn của tuần trước đó và trái với dự báo tăng nhẹ lên mức 247 nghìn đơn.