Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 20/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.079 VND/USD, tăng tiếp 19 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.232 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 24.286 VND/USD, giảm mạnh 89 đồng so với phiên 19/09. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 60 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.330 VND/USD và 24.430 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 20/09, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở kỳ hạn ON trong khi giảm 0,02 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn còn lại từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,19; 1W 0,32%; 2W 0,46% và 1M 1,04%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,02 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 5,02%; 1W 5,14%; 2W 5,23%, 1M 5,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở kỳ hạn 3Y trong khi tăng ở kỳ hạn 5Y và giảm ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên ở mức: 3Y 1,71%; 5Y 1,76%; 7Y 2,25%; 10Y 2,55%; 15Y 2,75%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN tiếp tục chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Phiên này không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu.
Thị trường trái phiếu: Hôm qua 20/09, KBNN chào thầu 5.750 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 4.000 tỷ đồng, tương đương 70%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng chào thầu; kỳ hạn 10Y huy động được 1.500 tỷ đồng/2.250 tỷ đồng chào thầu; kỳ hạn 15Y huy động được 2.000 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng chào thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 1,64% (-0,03 đpt), 10Y 2,36% (không đổi), 15Y 2,59% (không đổi).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán vừa trải qua phiên giao dịch khá tích cực khi đà tăng được mở rộng về cuối phiên nhờ sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu bất động sản. Đóng cửa phiên 20/09, VN-Index tăng 14,61 điểm (+1,21%) lên mức 1.226,11 điểm; HNX-Index thêm 4,6 điểm (+1,84%) lên 254,82 điểm; UPCoM-Index nhích 0,27 điểm (+0,30%) lên 93,35 điểm. Thanh khoản thị trường giảm với giá trị giao dịch gần 22.800 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 200 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á ADO vừa công bố, Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam xuống mức 5,8% từ mức 6,5% trong báo cáo hồi tháng 4/2023. ADB cũng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,0%, thấp hơn dự báo trong báo cáo trước đó ở mức 6,8%. Trong khi đó, lạm phát Việt Nam được dự báo lần lượt ở mức 3,8% và 4,0% trong các năm 2023 và 2024, đều thấp hơn mức 4,5% và 4,2% như dự báo hồi tháng 4.
Tin quốc tế:
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp tháng 9. Trong văn bản sau cuộc họp, cơ quan này dự báo GDP Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 (+1,1 đpt so dự báo tháng 6) và 1,5% năm 2024 (+0,4 đpt). Tỷ lệ thất nghiệp năm nay sẽ ở mức 3,8% (-0,3 đpt) và 4,1% vào năm sau (-0,4 đpt). Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng PCE toàn phần tăng 3,3% y/y trong năm nay (+0,1 đpt) và 2,5% năm sau (không đổi), trong khi PCE lần lượt tăng 3,7% (-0,2 đpt) và 2,6% (không đổi). Fed nhận định nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tương đối nhanh và lạm phát vẫn ở mức cao trong thời gian vừa qua. Cơ quan này khẳng định mục tiêu toàn dụng nhân công và đưa lạm phát về mức 2,0% trong dài hạn. Theo đó, Fed quyết định duy trì LSCS ở mức 5,25% - 5,50%, không thay đổi so với cuộc họp trước. Cũng trong cuộc họp lần này, biểu đồ Dot-plot của Fed cho thấy LSCS kết thúc năm 2023 ở khoảng 5,6%, đồng nghĩa với việc có một lần tăng LSCS nữa ở những tháng cuối năm. LSCS sẽ bắt đầu giảm trong năm 2024, xuống còn 5,1%, chậm hơn so với dự báo xuống 4,6% ở cuộc họp trước.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB dự báo Châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 (-0,1 đpt so dự báo tháng 4) và 4,8% năm 2024 (không đổi). Trong đó, Trung Quốc được dự báo lần lượt tăng 4,9% trong năm nay (-0,1 đpt) và 4,5% năm sau (không đổi); Ấn Độ lần lượt tăng 6,3% (-0,1 đpt) và 6,7% (không đổi); các quốc gia ĐNA tăng 4,6% (-0,1 đpt) và 4,8% (-0,2 đpt). Tiếp theo, lạm phát trong khu vực Châu Á TBD được dự báo sẽ giảm từ 4,4% vào năm ngoái xuống còn 3,6% vào năm nay, và hạ xuống còn 3,5% vào năm 2024, do Trung Quốc chịu áp lực giảm phát. Ngoài ra, ADB còn cảnh báo tình hình bất động sản ở Trung Quốc và nguy cơ khủng hoảng lương thực có thể gây ra tổn thương lớn đối với kinh tế khu vực cũng như toàn cầu.
CPI toàn phần tại nước Anh tăng 6,7% y/y trong tháng 8 vừa qua, thấp hơn mức 6,8% của tháng 7 và trái với dự báo leo lên 7,0%. Bên cạnh đó, CPI lõi tại quốc gia này chỉ tăng 6,2% trong tháng 8, hạ nhiệt mạnh từ 6,9% của tháng 7, đồng thời thấp hơn mức 6,8% theo dự báo. Hôm nay, NHTW Anh BOE sẽ có cuộc họp CSTT định kỳ. LSCS của BOE được dự báo sẽ tăng 0,25 đpt, từ 5,25% lên 5,50%.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 21/09/2023