Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 07/05/2024

07:44 07/05/2024

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 06/05, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.245 VND/USD, không thay đổi so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.380 VND/USD, giảm tiếp 27 đồng so với phiên 03/05. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng nhẹ 05 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.710 VND/USD và 25.790 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 06/05, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,03 – 0,09 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 4,34%; 1W 4,57%; 2W 4,70% và 1M 4,83%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 – 0,02 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 1M; giao dịch tại: ON 5,26%; 1W 5,32%; 2W 5,39%, 1M 5,42%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn; chốt phiên ở mức: 3Y 1,89%; 5Y 2,04%; 7Y 2,27%; 10Y 2,75%; 15Y 2,97%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 2.541,52 tỷ đồng trúng thầu, có 8.562,5 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 11.900 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,75%, có 3.200 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 14.810,98 tỷ đồng từ thị trường trong phiên đầu tuần, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 68.740 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố giảm xuống 112.342,69 tỷ.

Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần tăng tích cực nhờ nhóm cổ phiếu chứng khoán, sản xuất, VLXD... Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index bật tăng 20,55 điểm (+1,68%) đạt 1.241,58 điểm; HNX-Index thêm 4,06 điểm (+1,78%) lên 232,29 điểm; UPCoM-Index tăng 0,87 điểm (+0,97%) đạt mức 90,65 điểm. Thanh khoản thị trường có cải thiện với giá trị giao dịch đạt trên 23.200 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 204 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, đạt 50,3 điểm so với 49,9 điểm của tháng 3. Kết quả chỉ số cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện nhẹ, và đây là lần cải thiện thứ ba trong bốn tháng qua. Trong đó có 3 điểm nhấn nổi bật, đó là sản lượng tăng trưởng trở lại nhờ số lượng đơn đặt hàng mới tăng; giá cả được ghi nhận giảm tháng thứ hai liên tiếp và việc làm giảm lần đầu tiên trong ba tháng.                                            

Tin quốc tế:

Khu vực Eurozone đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, theo S&P Global, PMI lĩnh vực dịch vụ tại Eurozone chính thức đạt mức 53,3 điểm trong tháng 4, điều chỉnh tăng nhẹ so với 52,9 điểm theo kết quả khảo sát sơ bộ. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lĩnh vực dịch vụ Eurozone ghi nhận trạng thái mở rộng trở lại (PMI>50) sau 6 tháng thu hẹp trước đó. Tiếp theo, hãng Sentix khảo sát cho biết chỉ số niềm tin đầu tư tại Eurozone ở mức -3,6 điểm trong tháng 5, cải thiện từ mức -5,9 điểm của tháng 4 và đồng thời cao hơn mức -4,8 điểm theo dự báo. Dù chưa hoàn toàn quay lại ngưỡng điểm chỉ báo lạc quan, tuy nhiên đây cũng là mức niềm tin đầu tư tốt nhất mà Eurozone ghi nhận kể từ sau tháng 02/2022. Cuối cùng, Eurostat công bố chỉ số giá sản xuất PPI toàn phần tại Eurozone giảm nhẹ 0,4% m/m trong tháng 3, nối tiếp đà giảm 1,1% của tháng trước đó và khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, PPI tại khu vực này giảm mạnh khoảng 7,8% y/y.

Hãng Caixin (thuộc S&P Global) khảo sát cho biết PMI lĩnh vực dịch vụ tại Trung Quốc ở mức 52,5 điểm trong tháng 4, giảm nhẹ từ 52,7 điểm của tháng 3 và khớp với dự báo. Đây là tháng thứ 16 liên tiếp lĩnh vực dịch vụ tại quốc gia này duy trì trạng thái mở rộng.

Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 07/05/2024

Đọc thêm