Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/05, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.245 VND/USD, tăng nhẹ 04 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên 03/05 với mức 25.407 VND/USD, giảm nhẹ 11 đồng so với phiên 02/05. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 40 đồng ở chiều mua vào và 15 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.705 VND/USD và 25.785 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 03/05, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm tiếp 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 4,43%; 1W 4,62%; 2W 4,73% và 1M 4,83%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 2W; giao dịch tại: ON 5,28%; 1W 5,33%; 2W 5,40%, 1M 5,42%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở các kỳ hạn 3Y và 15Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3Y 1,90%; 5Y 2,08%; 7Y 2,30%; 10Y 2,79%; 15Y 3,0%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, trong 02 ngày 03-04/05 NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng/phiên với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có lần lượt 4.600 tỷ đồng và 3.500 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở 2 phiên với lãi suất giữ ở mức 3,75%, có 600 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 7.500 tỷ đồng từ thị trường trong 2 phiên cuối tuần qua, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 59.950 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố giữ ở mức 118.363,67 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần 03/05 tiếp tục tăng nhưng đà tăng đã yếu đi. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,67 điểm (+0,38%) đạt 1.221,03 điểm; HNX-Index thêm 0,73 điểm (+0,32%) lên 228,22 điểm; UPCoM-Index nhích 0,09 điểm (+0,10%) đạt mức 89,78 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt gần 18.400 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 500 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 629,9 nghìn tỷ đồng, bằng 43,6% dự toán, tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2023; thu từ dầu thô ước đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, bằng 46,2% dự toán, tăng 0,6%; thu cân đối từ hoạt động XNK ước đạt 82,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán, giảm 5,7%. Luỹ kế 4 tháng đầu, năm chi NSNN ước đạt 522,2 nghìn tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi ĐTPT ước đạt khoảng 115,9 nghìn tỷ đồng, bằng 17,1% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 4,8%; chi trả nợ lãi ước đạt 35,7% dự toán, tăng 17,4%; chi thường xuyên ước đạt 29,1% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tin quốc tế:
Nước Mỹ ghi nhận nhiều chỉ báo không mấy lạc quan. Đầu tiên, Bộ Lao động Mỹ cho biết quốc gia này tạo ra 175 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 4, thấp hơn mức 315 nghìn của tháng trước đó và đồng thời thấp hơn mức 238 nghìn theo dự báo. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại nước Mỹ trong tháng 3 tăng lên mức 3,9% trong tháng vừa qua, trái với dự báo tiếp tục đi ngang ở mức 3,8% như kết quả thống kê tháng 3. Cuối cùng, thu nhập bình quân theo giờ của người dân Mỹ tăng 0,2% m/m trong tháng 4, chưa đạt kỳ vọng tiếp tục tăng 0,3% như tốc độ tăng của tháng trước đó. Tiếp theo, về lĩnh vực dịch vụ, Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM khảo sát được chỉ số PMI lĩnh vực này chỉ đạt 49,4% trong tháng 4, giảm xuống từ mức 51,4% của tháng trước đó và trái với kỳ vọng tăng lên mức 52,0% Đây là lần đầu tiên lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ ghi nhận tình trạng thu hẹp kể từ sau tháng 12/2022. Các chỉ báo trên làm thay đổi kỳ vọng của thị trường về đường đi LSCS Fed trong tương lai. Theo kịch bản chiếm ưu thế của CME, lần đầu Fed cắt giảm LSCS có thể vẫn rơi vào cuộc họp ngày 18/09, tuy nhiên Fed có thể cắt giảm thêm một lần nữa vào tháng 12 năm nay, đưa LSCS cuối năm về mức 4,75- 5,0% thay vì chỉ cắt giảm 1 lần về 5,0 - 5,25% như dự báo trước.
Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu Eurostat cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone đi ngang ở mức 6,5% trong tháng 3, khớp với dự báo của thị trường. Đây vẫn là tỷ lệ thất nghiệp thấp so với mức quanh 7,5% mà Eurozone ghi nhận vào thời kỳ kinh tế ổn định trước dịch Covid-19. Theo dự báo của S&P Global, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone sẽ tăng nhẹ và đạt khoảng 6,7% vào cuối năm 2024.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 06/05/2024