Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 04/03 - 08/03/2024

08:08 11/03/2024

Tổng quan:

Phân bổ cũng như giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN 2 tháng đầu năm 2024 đều nhanh hơn so với cùng kỳ 2023.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch ĐTC vốn NSNN năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 657.349 tỷ đồng, bao gồm vốn NSTW 225.000 tỷ đồng (vốn trong nước 205.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 20.000 tỷ đồng); vốn NSĐP 432.349 tỷ đồng. Trong đó, tổng số kế hoạch bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác là 92.900 tỷ đồng; các dự án, nhiệm vụ thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia là 27.220 tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch vốn cân đối NSĐP năm 2024 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 32.427 tỷ đồng; kế hoạch vốn các năm trước đã được cho phép kéo dài tính đến cuối tháng 2 là 105,2 tỷ đồng. Như vậy, tổng kế hoạch giao năm 2024 đến cuối tháng 2, gồm kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng, kế hoạch các năm trước chuyển sang lên tới 689.881,2 tỷ đồng.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán ĐTC từ nguồn NSNN từ đầu năm đến ngày 29/02/2024 là 59.998,1 tỷ đồng, đạt 8,7% kế hoạch (đạt 9,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Cùng kỳ năm 2023 con số này đạt 6,55% kế hoạch và đạt 6,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do NSTW quản lý ước đạt 9,5 ngàn tỷ đồng, bằng 8% kế hoạch năm và giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư thực hiện do NSĐP quản lý ước đạt 50,3 ngàn tỷ đồng, bằng 8,5% kế hoạch năm và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Liên quan đến tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, đến hết ngày 31/01/2024, tổng số vốn giải ngân của 09 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 4.463,21 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6,63% kế hoạch năm 2024 được giao (67.365,78 tỷ đồng), trong đó, vốn NSTW là 4.230,67 tỷ đồng, đạt 6,82%; vốn NSĐP là 232,54, đạt 4,35%.

Về việc phân bổ vốn, tổng số vốn ĐTC nguồn NSNN đã phân bổ năm 2024 là 664.484,9 tỷ đồng, đạt 101,09% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (657.349 tỷ đồng). Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng nói trên thì tổng số vốn đã phân bổ là trên 632.057 tỷ đồng, đạt trên 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến cuối tháng 2/2023, nguồn vốn này mới được phân bổ hết 95,05% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Còn nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối NSĐP các địa phương giao tăng thì tỷ lệ này chỉ đạt 88,75% số vốn Thủ tướng giao. Như vậy, việc phân bổ kế hoạch vốn ĐTC nguồn NSNN năm nay nhanh hơn nhiều so với năm ngoái.

Với phần vốn ĐTC năm 2024 chưa phân bổ hết, theo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân. Đối với nguồn vốn NSTW, vốn trong nước chưa phân bổ là 6.196 tỷ đồng do các bộ, ngành, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; các dự án, nhiệm vụ đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn để thực hiện và hoàn thành; các dự án, nhiệm vụ đang tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch ĐTC trung hạn làm căn cứ bố trí trong kế hoạch năm 2024, ... Vốn nước ngoài chưa phân bổ chi tiết là 1.767 tỷ đồng do vướng mắc trong công tác đấu thầu; các dự án đang đàm phán, ký kết Hiệp định sử dụng vốn ODA; chờ Thủ tướng Chính phủ bổ sung kế hoạch trung hạn để giao kế hoạch năm 2024; chưa có dự án để bố trí tiếp, ... Vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ là 2.789,9 tỷ đồng do nhiều dự án khởi công mới đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.

Năm 2024, ĐTC vẫn được xác định là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng, là vốn mồi dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn này, từ đầu tháng 1/2024, Bộ Tài chính đã có công văn số 405/BTC-ĐT đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phân bổ, nhập dự toán Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và giải ngân kế hoạch vốn ĐTC nguồn NSNN năm 2024. Trong các báo cáo của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ tài chính đặt mục tiêu phấn đấu giải ngân ĐTC công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.      

Tóm lược thị trường trong nước từ 04/03 - 08/03

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ 04/03 - 08/03, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng đầu tuần rồi giảm trở lại phiên cuối tuần. Chốt ngày 08/03, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.966 VND/USD, giảm nhẹ 06 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay cuối tuần được niêm yết ở mức 25.145 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá LNH trong tuần từ 04/03 - 08/03 tăng tiếp phiên đầu tuần, tuy nhiên sau đó đã giảm trở lại. Kết thúc phiên 08/03, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.640 VND/USD, giảm nhẹ 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tăng – giảm đan xen trong tuần qua. Chốt phiên 08/03, tỷ giá tự do giảm nhẹ 40 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25.320 VND/USD và 25.380 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Trong tuần từ 04/03 - 08/03, lãi suất VND LNH tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 08/03, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 0,80% (-0,67 đpt); 1W 1,06% (-0,57 đpt); 2W 1,32% (-0,54 đpt); 1M 2,06% (-0,38 đpt).

Lãi suất USD LNH tăng – giảm nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Phiên 08/03, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,20% (+0,01 đpt); 1W 5,29% (không thay đổi); 2W 5,36% (+0,02 đpt) và 1M 5,40% (không thay đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần qua từ 04/03 - 08/03, ở kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.      

Thị trường trái phiếu: Ngày 06/03, KBNN huy động thành công 8.000 tỷ đồng/11.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 70%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được toàn bộ 2.000 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 10Y huy động được 3.500 tỷ đồng/5.250 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 15Y huy động 2.500 tỷ đồng/3.750 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 30Y gọi thầu 500 tỷ đồng, nhưng đấu thầu thất bại. Lãi suất phát hành kỳ hạn 5Y là 1,44% (+0,02 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y 2,33% (+0,02 đpt), 15Y 2,53% (+0,02 đpt).

Trong tuần này, ngày 13/03, KBNN chào thầu 12.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5Y chào thầu 3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10Y và 15Y chào thầu 4.000 tỷ đồng/kỳ hạn, kỳ hạn 20Y và 30Y chào thầu 500 tỷ đồng/kỳ hạn.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp trong tuần qua đạt trung bình 13.599 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 9.949 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tăng mạnh ở tất cả kỳ hạn. Chốt phiên 08/03, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1Y 1,29% (+0,07 đpt so với phiên trước đó); 2Y 1,31% (+0,07 đpt); 3Y 1,34% (+0,06 đpt); 5Y 1,55% (+0,09 đpt); 7Y 1,95% (+0,11 đpt); 10Y 2,51% (+0,17 đpt); 15Y 2,72% (+0,15 đpt); 30Y 3,05% (+0,04 đpt).

Thị trường chứng khoán: Trong tuần từ 04/03 - 08/03, thị trường chứng khoán tăng tích cực đầu tuần, nhưng giảm mạnh phiên cuối tuần. Chốt phiên 08/03, VN-Index đứng ở mức 1.247,35 điểm, giảm 10,93 điểm (-0,87%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index lùi 0,11 điểm (-0,05%) xuống mức 236,32 điểm; UPCom-Index tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,08%) đạt 91,23 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch đạt mức 29.300 tỷ đồng/phiên, tăng tích cực từ mức 25.100 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh gần 1.600 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Tin quốc tế

Chủ tịch Fed có phát biểu điều trần đáng chú ý, bên cạnh đó nước Mỹ cũng đón một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Ngày 05/03, trong buổi điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu 2,0% của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang FOMC, nhưng đã giảm tốc mà không làm tăng đáng kể tỷ lệ thất nghiệp. FOMC cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. FOMC bắt đầu thắt chặt CSTT kể từ đầu năm 2022, đã đạt mức 5,25% - 5,50% kể từ cuộc họp tháng 07/2023, và có thể đã ở mức cao nhất trong chu kỳ thắt chặt này. Nếu nền kinh tế phát triển như mong đợi, có thể thời điểm thích hợp để giảm dần mức độ thắt chặt sẽ rơi vào năm 2024. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế là không chắc chắn. Việc giảm mức độ thắt chặt quá sớm hoặc quá nhiều có thể đảo ngược những thành quả trước đây, đòi hỏi CSTT phải quay lại thắt chặt hơn nữa để đạt mục tiêu. Ngược lại, giảm mức độ thắt chặt quá muộn hoặc quá ít sẽ làm suy yếu kinh tế và thị trường lao động. FOMC sẽ đánh giá cẩn trọng dữ liệu để đưa ra những quyết định phù hợp. Liên quan đến kinh tế Mỹ, viện Quản lý Cung ứng ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tại nước này ở mức 52,6% trong tháng vừa qua, giảm nhẹ từ mức 53,4% của tháng 1, đồng thời thấp hơn mức 53,0% theo dự báo. Tiếp theo, tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 275 nghìn việc làm phi nông nghiệp mới trong tháng 2, cao hơn mức 229 nghìn của tháng 1 và đồng thời vượt khá mạnh so với mức 198 nghìn theo dự báo. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng từ 3,7% lên 3,9% trong tháng vừa qua. Thu nhập bình quân của người lao động trong tháng 2 cũng chỉ tăng 0,1% m/m, giảm tốc so với 0,5% của tháng 1 và gần khớp mức tăng 0,2% theo dự báo.

NHTW Châu Âu ECB không thay đổi LSCS trong cuộc họp tháng 3. Trong cuộc họp diễn ra ngày 07/03, các quan chức tại ECB nhận định lạm phát đã tiếp tục giảm thêm so với thời điểm cuộc họp tháng 1/2024. ECB dự báo lạm phát trung bình sẽ ở mức 2,3% trong năm 2024, 2,0% năm 2025 và 1,9% năm 2026, cùng thấp hơn so với dự báo trước. Lạm phát lõi được ECB dự báo tăng 2,6% trong năm nay, 2,1% năm 2025 và 2,0% năm 2026. ECB cho rằng mặc dù lạm phát đang giảm nhưng áp lực giá cả trong khu vực vẫn ở mức cao, một phần do tăng trưởng tiền lương tăng mạnh. Việc lãi suất ở mức cao sẽ tiếp tục áp lực lên nhu cầu và khiến lạm phát tiếp tục giảm. Mặc dù vậy, kinh tế sẽ trầm lắng một thời gian và GDP Eurozone năm 2024 có thể chỉ đạt 0,6%, sau đó tăng tốc lên 1,5% năm 2025 và 1,6% năm 2026. ECB cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2,0% một cách kịp thời. ECB cho rằng LSCS hiện tại nếu được duy trì đủ thời gian sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu cơ quan này theo đuổi. Theo đó, ECB quyết định không thay đổi LSCS trong cuộc họp này. Cụ thể, LS tái cấp vốn, LS cho vay cận biên và LS tiền gửi tại ECB lần lượt được duy trì ở mức 4,50%; 4,75% và 4,0%. ECB sẽ tiếp tục quan sát các dữ liệu lạm phát và kinh tế để đưa ra các quyết định tiếp theo về LSCS. Liên quan đến thông tin kinh tế Eurozone đón nhận trong tuần qua, doanh số bán lẻ tháng 1 tại khu vực này tăng nhẹ 0,1% m/m sau khi giảm 0,6% ở tháng trước đó, khớp với con số được dự báo. Cuối cùng, chỉ số giá sản xuất PPI tại Eurozone giảm 0,9% m/m trong tháng 1, nối tiếp đà giảm 0,9% ở tháng trước đó và sâu hơn nhiều so với mức giảm 0,1% theo dự báo.

Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần 04/03 - 08/03/2024

Đọc thêm