Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 05/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.012 VND/USD, tăng tiếp 08 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.162 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.700, tiếp tục tăng 16 đồng so với phiên 04/03. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 60 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.540 VND/USD và 25.670 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 05/03, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm trở lại 0,02 – 0,06 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 1,50%; 1W 1,69%; 2W 1,90% và 1M 2,40%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi đi ngang ở các kỳ hạn 1W và 1M; giao dịch tại: ON 5,19%; 1W 5,30%; 2W 5,36%, 1M 5,40%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp không thay đổi các ở kỳ hạn 5Y và 10Y trong khi giảm ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3Y 1,27%; 5Y 1,45%; 7Y 1,83%; 10Y 2,34%; 15Y 2,56%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán: Thị trường giảm điểm trong phần lớn thời gian bởi áp lực chốt lời, tuy nhiên, về cuối phiên, lực mua gia tăng giúp các chỉ số hồi phục. Chốt phiên, VN-Index tăng 8,57 điểm (+0,68%) lên mức 1.269,98 điểm; HNX-Index giảm nhẹ 0,03 điểm (-0,01%) xuống 237,35 điểm; UPCoM-Index thêm 0,65 điểm (+0,71%) đạt mức 91,78 điểm. Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 26.300 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 37 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Bộ Tài chính, lũy kế thu NSNN 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023. Trong tổng thu nêu trên, thu nội địa 2 tháng ước đạt 355,8 nghìn tỷ đồng, bằng 24,6% dự toán, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023; thu từ dầu thô 2 tháng ước đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,2% dự toán, giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2023; thu cân đối từ hoạt động XNK ước đạt 33,8 nghìn tỷ đồng, bằng 16,6% dự toán. Ngược lại, lũy kế chi NSNN 2 tháng đầu năm ước đạt 270,7 nghìn tỷ đồng, bằng 12,3% dự toán, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, chi ĐTPT ước đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân đạt 9,13% kế hoạch vốn ĐTPT Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi ước đạt 23% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 13,9% dự toán.
Tin quốc tế:
Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ ở mức 52,6% trong tháng vừa qua, giảm nhẹ từ mức 53,4% của tháng 1, đồng thời thấp hơn mức 53,0% theo dự báo. Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát vẫn lạc quan về điều kiện kinh doanh, tuy nhiên vẫn có một số ý kiến lo ngại về lạm phát và rủi ro địa chính trị tại khu vực Biển Đỏ.
Văn phòng Thống kê Liên minh Châu Âu công bố, chỉ số giá sản xuất PPI tại Eurozone giảm 0,9% m/m trong tháng 1, nối tiếp đà giảm 0,9% của tháng trước đó và giảm sâu hơn mức 0,1% theo dự báo. So với cùng kỳ năm 2023, PPI tháng 1 giảm mạnh khoảng 8,6% y/y. Tiếp theo, S&P Global cho biết chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tại Eurozone chính thức ở mức 50,2 điểm trong tháng 2, điều chỉnh tăng nhẹ từ mức 50 điểm theo khảo sát sơ bộ và tăng so với mức 48,4 điểm ghi nhận trong tháng 1. Đây là tháng đầu tiên PMI dịch vụ tại Eurozone vượt qua mức trung tính 50 điểm kể từ sau tháng 07/2023.
Hãng Caixin cho biết chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tại Trung Quốc ở mức 52,5 điểm trong tháng 2, giảm nhẹ so với mức 52,7 điểm của tháng 1 và trái với kỳ vọng tăng lên 52,9 điểm. Đây là tháng thứ 14 liên tiếp lĩnh vực dịch vụ tại nước này cho thấy PMI đứng trên mức 50 điểm, là trụ cột của nền kinh tế trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ thị trường bất động sản và nhu cầu thế giới yếu.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 06/03/2024