Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/03, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.004 VND/USD, tăng nhẹ 02 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.154 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.684 VND/USD, tăng 34 đồng so với phiên 01/03. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 140 đồng ở chiều mua vào và 180 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.480 VND/USD và 25.580 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 04/03, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,05 – 0,10 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi giảm 0,02 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 1,52%; 1W 1,72%; 2W 1,96% và 1M 2,42%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn ON trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W, đi ngang ở các kỳ hạn 2W và 1M; giao dịch tại: ON 5,18%; 1W 5,30%; 2W 5,34%, 1M 5,40%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở kỳ hạn 3Y trong khi tăng ở kỳ hạn 10Y và giảm ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3Y 1,28%; 5Y 1,45%; 7Y 1,84%; 10Y 2,34%; 15Y 2,56%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 3.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán, thị trường giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu, tuy nhiên các chỉ số chính vẫn bảo toàn được sắc xanh. Chốt phiên, VN-Index tăng nhẹ 3,13 điểm (+0,25%) lên mức 1.261,41 điểm; HNX-Index tăng 0,95 điểm (+0,40%) đạt 237,38 điểm; UPCoM-Index hạ nhẹ 0,03 điểm (-0,03%) về mức 91,13 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch đạt trên 31.200 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 166 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo kết quả khảo sát của S&P Global, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục được cải thiện trong tháng 2 khi đạt kết quả 50,4 điểm, tăng nhẹ so với 50,3 điểm của tháng 1. Trong đó có 3 điểm nhấn nổi bật: Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục cải thiện hỗ trợ tăng việc làm; giá cả đầu ra tăng sau khi giảm trong tháng 1; tâm lý kinh doanh đạt mức cao của một năm. Báo cáo của S&P Global nhận định, sức khỏe của ngành sản xuất mới chỉ cải thiện nhẹ. Trong khi đó, hoạt động mua hàng giảm nhẹ tháng thứ tư liên tiếp, các nhà sản xuất quyết định sử dụng hàng tồn kho trong tháng 2 thay vì mua mới. Chi phí đầu vào cũng tiếp tục tăng đáng kể trong tháng.
Tin quốc tế:
Niềm tin đầu tư tại Eurozone cải thiện nhẹ trong tháng 3. Theo kết quả khảo sát của Sentix, chỉ số niềm tin đầu tư tại Eurozone tăng 2,4 điểm trong tháng 3, đạt mức -10,5 điểm từ mức -12,9 điểm của tháng trước, đồng thời tích cực hơn dự báo ở mức -10,8 điểm. Đây là tháng cải thiện thứ 5 liên tiếp của chỉ số này, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa thể lạc quan khi chỉ số triển vọng chung tại Đức, đầu tầu kinh tế của khu vực, vẫn ở mức -27,9 điểm, cho thấy suy thoái vẫn diễn ra dai dẳng ở nước này.
Văn phòng Thống kê Úc ABS cho biết số cấp phép xây dựng tại quốc gia này chỉ đạt 12,85 nghìn đơn, giảm 1,0% m/m trong tháng 1 sau khi giảm mạnh 10,1% ở tháng trước đó, trái với kỳ vọng tăng trở lại 3,8%. So với cùng kỳ năm 2023, số đơn cấp phép trong tháng đầu năm tăng 4,8%. Mức giảm trong tháng 1 chủ yếu đến từ hạng mục nhà ở cá nhân, chỉ đạt 7,46 nghìn đơn tương đương giảm 9,9% m/m.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 05/03/2024