Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 10/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.928 VND/USD, giảm tiếp 03 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.074 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.415 VND/USD, tăng 52 đồng so với phiên 09/01. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.750 VND/USD và 24.850 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 10/01, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,07 đpt ở kỳ hạn 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,20%; 1W 0,30%; 2W 0,53% và 1M 1,22%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,05 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 5,08%; 1W 5,23%; 2W 5,30%, 1M 5,39%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở tất cả các kỳ hạn; chốt phiên ở mức: 3Y 1,52%; 5Y 1,52%; 7Y 1,81%; 10Y 2,20%; 15Y 2,39%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 1,04 tỷ đồng lưu hành trên kênh này. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Ngày 10/01, KBNN huy động thành công 5.939/7.250 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 82%. Trong đó, kỳ hạn 5Y và 10Y huy động được toàn bộ lần lượt 750 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 15Y huy động được 2.189 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 30Y gọi thầu 500 tỷ đồng nhưng đấu thầu thất bại. Lãi suất phát hành kỳ hạn 5Y ở mức 1,50% (-0,08 đpt so với phiên trước đó), 10Y 2,15% (-0,05 đpt) và 15Y 2,35% (-0,05 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán có phiên trái chiều, VN-Index giữ được sắc xanh nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng kéo trụ. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,95 điểm (+0,25%) lên mức 1.161,54 điểm; HNX-Index mất 1,09 điểm (-0,47%) còn 231,41 điểm; UPCoM-Index giảm 0,57 điểm (-0,65%) xuống 87,15 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước đó với giá trị giao dịch trên 23.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 325 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Bộ Tài chính, quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra. Nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn so với trần 50%. Mức dư nợ này cũng thấp hơn nhiều so với mức trung bình năm 2023 của các quốc gia xếp hạng tín nhiệm BB là 52,8% và BBB là 54,9% GDP. Dư nợ trong nước tăng, chiếm khoảng 71% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là TPCP. Kỳ hạn phát hành bình quân TPCP khoảng 12,4-12,5 năm, đảm bảo mục tiêu 9-11 năm theo Nghị quyết của Quốc hội số 23/2021/QH15 về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay trả nợ công giai đoạn 2021-2025. Lãi suất phát hành bình quân toàn bộ danh mục TPCP năm 2023 khoảng 3,3%/năm, giảm 0,18 đpt so với mức năm 2022.
Tin quốc tế:
Văn phòng Thống kê Úc ABS cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này tăng 4,3% y/y trong tháng 11, giảm tốc từ 4,9% của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức tăng 4,4% theo dự báo. Đây là mức tăng thấp nhất của CPI Úc trong gần 2 năm, kể từ sau tháng 04/2021.
Chính phủ Nhật Bản công bố mức thu nhập bình quân tại nước này chỉ tăng 0,2% y/y trong tháng 11, giảm tốc rất nhiều so với kỳ vọng được duy trì ở mức 1,5% như kết quả thống kê tháng 10. Mặc dù vậy, mức lương cơ bản của người dân tăng 1,2% y/y trong tháng 11, chỉ giảm tốc nhẹ so với mức 1,3% ở tháng trước đó. Nếu so với mức lạm phát đang ở trên 2% của Nhật, thu nhập của người dân thực tế đã giảm tháng thứ 20 liên tiếp, đè nặng lên sức chi tiêu của các hộ gia đình.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 11/01/2024