Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 02/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.848 VND/USD, giảm 18 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.990 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.325 VND/USD, tăng 75 đồng so với phiên 29/12/2023. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm mạnh 100 đồng ở chiều mua vào và 70 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.620 VND/USD và 24.700 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 02/01, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,12 – 2,65 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,95%; 1W 1,25%; 2W 1,68% và 1M 2,44%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,02 – 0,04 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 5,04%; 1W 5,15%; 2W 5,25%, 1M 5,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 3Y và 7Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3Y 1,56%; 5Y 1,54%; 7Y 1,93%; 10Y 2,27%; 15Y 2,46%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, có 4.551,36 tỷ đồng lưu hành trên kênh này. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ phân hóa khi VN-Index chốt phiên trong sắc xanh trong khi HNX-Index giảm điểm. Chốt phiên, VN-Index tăng 1,79 điểm (+0,16%) lên mức 1.131,72 điểm; HNX-Index giảm 1,05 điểm (-0,45%) còn 229,99 điểm; UPCoM-Index thêm 0,54 điểm (+0,62%) đạt 87,58 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch gần 18.700 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng gần 407 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngày 02/01/2024, S&P Global công bố báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 12/2023. PMI ngành sản xuất Việt Nam dù đã được cải thiện từ mức 47,3 điểm của tháng 11 nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng trung bình khi chỉ đạt 48,9 điểm trong tháng 12. Trong đó, nhu cầu yếu tiếp tục góp phần làm giảm số lượng đơn đặt hàng mới tháng thứ hai liên tiếp, sản lượng cũng giảm tương ứng. Trong khi đó, hoạt động mua hàng và việc làm hầu như không thay đổi. Trước tình trạng nhu cầu yếu, các công ty đã phải hạn chế tăng giá bán hàng trong tháng 12 để thu hút đơn đặt hàng mới dù chi phí đầu vào của họ tiếp tục tăng đáng kể.
Tin quốc tế:
S&P Global khảo sát cho biết chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại Mỹ chính thức ở mức 47,9 điểm trong tháng 12, giảm nhẹ so với 48,2 điểm theo khảo sát sơ bộ và trái với kỳ vọng tăng lên 48,4 điểm. Tiếp theo, cơ quan Thống kê Mỹ thông báo mức chi tiêu cho xây dựng tại nước này tăng 0,4% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà tăng 1,2% của tháng trước đó và vẫn thấp hơn một chút so với mức tăng 0,6% theo dự báo. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, mức chi cho lĩnh vực xây dựng tại quốc gia này đã tăng khoảng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo S&P Global, PMI lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc ở mức 50,8 điểm trong tháng 12, tăng nhẹ từ 50,7 điểm của tháng 11 và cao hơn mức 50,4 điểm theo kỳ vọng. Đây là mức PMI sản xuất cao thứ 3 tại Trung Quốc trong suốt năm vừa qua.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 03/01/2024