Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 03/10, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.065 VND/USD, tăng 6 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay niêm yết ở mức 23.400 VND/USD và tỷ giá bán giao ngay ở mức 25.218 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.389 VND/USD, tăng 35 đồng so với phiên 02/10. Tỷ giá trên thị trường tự do đi ngang so với phiên đầu tuần, giao dịch tại 24.500 VND/USD và 24.550 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 03/10, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục tăng, từ 0,04 – 0,20 đpt đối với các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 0,76%; 1W 0,94%; 2W 1,07% và 1M 1,44%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm nhẹ 0,01 - 0,02 đpt ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống và chỉ đi ngang ở kỳ hạn 2W; giao dịch tại: ON 5,03%; 1W 5,15%; 2W 5,24%, 1M 5,34%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm nhẹ ở kỳ hạn 5Y trong khi tăng nhẹ ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên ở mức: 3Y 1,73%; 5Y 1,76%; 7Y 2,47%; 10Y 2,81%; 15Y 2,99%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 10.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng nhẹ lên mức 1,18%. Như vậy, NHNN hút ròng 10.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 110.700 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Thị trường trong phiên hôm qua giảm mạnh. Chốt phiên, VN-Index giảm 37,15 điểm (-3,22%) xuống mức 1.118,1 điểm; HNX-Index giảm 10,04 điểm (-4,24%) xuống mức 226,68 điểm; UPCoM-Index giảm 2,01 điểm (-2,27%) còn 86,68 điểm. Thanh khoản thị trường gia tăng đáng kể trong phiên VN-Index giảm mạnh với giá trị giao dịch khoảng 24.557 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng 56 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
S&P Global vừa công bố Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 9/2023, trong đó đưa ra 3 nhận định: sản lượng giảm nhẹ; số lượng đơn đặt hàng mới tăng khi xuất khẩu tăng mạnh; áp lực lạm phát lớn hơn. PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt 49,7 trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc trung tính 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8. Với kết quả này, chỉ số PMI cho thấy, các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm. Dữ liệu khảo sát cho thấy, nhu cầu và niềm tin kinh doanh tăng, nhưng cũng chỉ ra tình trạng năng lực sản xuất dư thừa dẫn đến giảm sản lượng và việc làm. Tốc độ lạm phát đã gia tăng khi cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng nhanh hơn vào thời điểm cuối quý III/2023.
Tin quốc tế:
Bộ Lao động Mỹ cho biết số cơ hội việc làm tại nước này đạt mức 9,61 triệu cơ hội mới trong tháng 8, cao hơn mức 8,92 triệu của tháng 7 và đồng thời cao hơn mức 8,81 triệu cơ hội theo dự báo.
Trong phiên họp ngày hôm qua, NHTW Úc RBA giữ nguyên quan điểm lạm phát tại Úc đã đi qua vùng đỉnh, nhưng vẫn còn quá cao và sẽ duy trì trong một thời gian tới. LSCS đã tăng 4 đpt kể từ tháng 05/2022 cho tới nay, và có tác dụng thiết lập sự cân bằng bền vững giữa cung cầu trong nền kinh tế. Triển vọng kinh tế tại Úc hiện cũng có các sự bất định, phụ thuộc vào triển vọng chung của kinh tế thế giới. Theo đó, RBA quyết định giữ LSCS ổn định ở mức 4,1% trong tháng 10. Hành động này sẽ cho RBA thêm thời gian để đánh giá tác động của quá trình tăng LS tới triển vọng kinh tế và lạm phát trong tương lai.
Liên quan đến thông tin kinh tế Úc, số cấp phép xây dựng nhà tại nước này tăng 7,0% m/m trong tháng 8 sau khi giảm 7,4% ở tháng 7 trước đó, vượt mạnh so với mức tăng chỉ 2,7% theo dự báo.