Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 26/09, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.084 VND/USD, tiếp tục tăng 08 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.238 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên ở mức 24.385 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên 25/09. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng tiếp 30 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.350 VND/USD và 24.450 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 26/09, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,01 – 0,03 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1M so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 0,20; 1W 0,37%; 2W 0,53% và 1M 1,02%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 - 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 5,04%; 1W 5,15%; 2W 5,24%, 1M 5,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 3Y, chốt phiên ở mức: 3Y 1,71%; 5Y 1,74%; 7Y 2,30%; 10Y 2,62%; 15Y 2,82%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Phiên hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 20.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 0,58%. Như vậy, NHNN hút ròng 20.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức 50.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Mặc dù hồi phục từ giữa phiên, thị trường chốt phiên vẫn giảm điểm khi áp lực bán quá lớn. Đóng cửa phiên 26/09, VN-Index mất 15,24 điểm (-1,32%) xuống mức 1.137,96 điểm; HNX-Index giảm 1,75 điểm (-0,76%) về 229,75 điểm; UPCoM-Index hạ 0,27 điểm (-0,30%) còn 88,43 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch gần 24.600 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng 723 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 3 của Việt Nam sẽ đạt 5,1%, tăng so với mức 4,1% trong Quý 2. Ngân hàng giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5,4%. Theo Standard Chartered, các dữ liệu tháng 9 có thể sẽ cải thiện đôi chút so với tháng 8. Tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 9 được kỳ vọng sẽ duy trì mạnh ở mức 8,2% so với cùng kỳ; xuất khẩu được dự đoán giảm 6,2%, trong khi nhập khẩu giảm 7,0% và tăng trưởng SXCN tăng lên 3,2%; thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống 1,3 tỷ USD. Lạm phát có thể tăng trở lại, lên mức 3,2% so với cùng kỳ.
Tin quốc tế:
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 103 điểm trong tháng 9, giảm khá mạnh từ mức 108,7 điểm của tháng trước, đồng thời xuống thấp hơn mức 105,5 điểm theo dự báo. Tiếp theo, doanh số bán nhà mới tại Mỹ chỉ đạt 675 nghìn căn trong tháng 8, thấp hơn mức 739 nghìn căn của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn mức 699 nghìn căn theo dự báo. Đây là mức doanh số thấp nhất kể từ tháng 03/2023. Cuối cùng, chỉ số giá nhà tại Mỹ tăng 0,8% m/m trong tháng 7, tích cực hơn mức tăng của tháng 6 đồng thời cũng là dự báo của các chuyên gia với 0,4% m/m. So với cùng kỳ năm 2022, giá nhà tại Mỹ đã tăng khoảng 4,6% y/y.
Theo NHTW Nhật Bản BOJ, chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) nước này tăng 3,3% y/y trong tháng 8, bằng mức tăng của tháng trước đó và nhỉnh hơn một chút so với dự báo ở mức 3,2%. Đồng thời, chỉ số giá bán buôn dịch vụ SPPI tháng 8 tăng 2,1% y/y, cao hơn mức tăng 1,7% của tháng 7 và mức tăng 1,8% theo dự báo.