Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 27/05, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.935 VND/USD, giảm tiếp 05 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.739 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 26.131 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.920 VND/USD, giảm nhẹ 01 đồng so với phiên 26/05. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 26.270 VND/USD và 26.370 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 27/05, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,10 – 0,20 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 4,20%; 1W 4,32%; 2W 4,38% và 1M 4,48%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở các kỳ hạn ON và 2W trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1W và giảm 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 4,30%; 1W 4,37%; 2W 4,41%, 1M 4,43%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp đi ngang ở kỳ hạn 3Y, tăng ở các kỳ hạn còn lại, chốt phiên: 3Y 2,20%; 5Y 2,48%; 7Y 2,79%; 10Y 3,09%; 15Y 3,23%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày, 10.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, 5.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 35 ngày và 3.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 4,0%. Có 6.273,68 tỷ đồng trúng thầu ở 3 kỳ hạn ngắn, không có khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 91 ngày. Có 2.459,43 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Như vậy, hôm qua NHNN bơm ròng 3.814,25 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Có 50.074,52 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như bất động sản, ngân hàng. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,30 điểm (+0,55%) lên 1.339,81 điểm; HNX-Index thêm 2,38 điểm (+1,08%) đạt mức 221,79 điểm; UPCoM-Index tăng 1,41 điểm (+1,46%) lên 98,14 điểm. Thanh khoản thị trường tăng tiếp so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 26.100 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.120 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo số liệu cập nhật từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) từ đầu tháng 5 đến ngày 23/05, thị trường TPDN tiếp tục ghi nhận diễn biến sôi động với tổng cộng 21 đợt phát hành, đạt giá trị 18.003 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành TPDN đã lên tới 91.918 tỷ đồng. Trong đó, phát hành ra công chúng chiếm tỷ trọng 30,4% với 14 đợt, tổng giá trị đạt 27.904 tỷ đồng; phần còn lại là 55 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 64.014 tỷ đồng, chiếm 69,6%. Tính từ 01/05 - 23/05, giá trị mua lại TPDN đạt 14.422 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, con số này lên tới 53.768 tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa cuối năm 2025, thị trường đang đối mặt với khối lượng TPDN đến hạn lớn, lên tới 156.399 tỷ đồng.
Tin quốc tế:
Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết giá trị đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tại Mỹ giảm 6,3% y/y trong tháng 4 sau khi tăng 7,5% ở tháng trước đó, không sâu như mức giảm 7,6% theo dự báo. Tiếp theo, chỉ số giá nhà bình quân tại Mỹ giảm 0,1% m/m trong tháng 3 sau khi đi ngang (0,0% m/m) trong tháng 2, trái với dự báo tăng nhẹ 0,1%. So với cùng kỳ năm 2024, giá nhà tại Mỹ tăng khoảng 4,0% y/y. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Conference Board khảo sát ở mức 98,0 điểm trong tháng 5, phục hồi khá mạnh từ mức 85,7 điểm của tháng 4, đồng thời vượt nhiều so với dự báo chỉ ở 87,1 điểm.
Trong một hội nghị ngày hôm qua 27/05, Thống đốc NHTW Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda nhận định lạm phát tại nước này đang dao động trong khoảng 1,5% - 2,0%, mặc dù là mức cao trong nhiều năm qua nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu ổn định ở khoảng 2%. Trong bối cảnh sự bất ổn ngày càng tăng, đặc biệt là những bất ổn liên quan đến chính sách thương mại, BOJ gần đây đã điều chỉnh giảm triển vọng kinh tế và lạm phát của mình. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn tiếp tục kỳ vọng lạm phát cơ bản tiến dần về mức mục tiêu 2,0% ở năm 2027. Việc giá thực phẩm gần đây tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát chung có thể sẽ yếu dần, nhưng vẫn cần được quan sát kỹ lưỡng trong thời gian tới. Cuối cùng, ông Ueda cho biết BOJ tự tin vào kịch bản cơ sở như trên; khi hoạt động kinh tế và giá cả cải thiện, BOJ sẽ điều chỉnh mức độ nới lỏng CSTT khi cần thiết. Liên quan đến chỉ báo lạm phát tại Nhật Bản, BOJ công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi tại nước này tăng 2,4% y/y trong tháng 4, cao hơn so với mức tăng 2,2% ở tháng trước đó, đồng thời vượt nhẹ mức tăng 2,3% theo dự báo.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 28/05/2025