Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 08/05/2025

08:05 08/05/2025

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 07/05, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.930 VND/USD, giảm tiếp 08 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.734 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 26.126 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.955 VND/USD, giảm 07 đồng so với phiên 06/05. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 26.400 VND/USD và 26.500 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 07/05, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,04 – 0,10 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó, cụ thể: ON 4,08%; 1W 4,30%; 2W 4,40% và 1M 4,52%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giữ nguyên ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 4,30%; 1W 4,37%; 2W 4,43%, 1M 4,48%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp biến động nhẹ, chốt phiên với mức: 3Y 2,19%; 5Y 2,44%; 7Y 2,77%; 10Y 3,07%; 15Y 3,22%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày, 10.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, 5.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 35 ngày và 3.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 4,0%. Có 3.018,46 tỷ đồng trúng thầu ở 2 kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày; không có khối lượng trúng thầu ở các kỳ hạn còn lại. Có 6.021,65 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Như vậy, NHNN hút ròng 3.003,19 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở phiên hôm qua. Có 83.512,57 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố.

Thị trường trái phiếu: Ngày 07/05, KBNN đấu thầu thành công 1.283 tỷ đồng/10.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 12%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 1.000 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 200 tỷ đồng/7.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15Y huy động được 35 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu và kỳ hạn 30Y huy động được 48 tỷ/500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 2,36% (+0,21 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 3,05% (+0,05 đpt), 15Y là 3,10% (+0,02 đpt) và 30Y là 3,28% (không đổi).

Thị trường chứng khoán: Sau khi diễn biến giằng có phiên sáng, các chỉ số bứt phá vào phiên chiều, đặc biệt cổ phiếu nhóm bất động sản và năng lượng. Chốt phiên, VN-Index tăng 8,42 điểm (+0,68%) lên 1.250,37 điểm; HNX-Index nhích 0,52 điểm (+0,24%) đạt 213,41 điểm; UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) còn 92,92 điểm. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch đạt trên 16.700 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 896 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tính đến ngày 30/04/2025, tổng vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.204 dự án mới được cấp phép, tăng 14,1% về số lượng, nhưng tổng vốn đăng ký lại giảm 23,8% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5,59 tỷ USD. Có 540 lượt dự án hiện hữu đăng ký điều chỉnh tăng vốn thêm 6,40 tỷ USD, gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2024. Có 1.106 lượt góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN với tổng giá trị góp vốn đạt 1,83 tỷ USD, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện trong 4 tháng đầu năm ước đạt 6,74 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ.        

Tin quốc tế:

Fed quyết định giữ lãi suất chính sách ở mức hiện tại và cảnh báo về rủi ro ngày càng gia tăng đối với mục tiêu lạm phát và thị trường lao động của cơ quan này. Ngày 07/05, sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed quyết định giữ nguyên LSCS ở mức từ 4,25 - 4,5%. Fed nhận định, nền kinh tế nhìn chung tiếp tục tăng trưởng vững chắc, GDP quý I giảm do doanh nghiệp và hộ gia đình tăng nhập khẩu để tránh các mức thuế mới. Fed cũng đánh giá thị trường lao động vẫn mạnh và lạm phát "ở mức cao". Tuy nhiên, tuyên bố lần này nhấn mạnh các rủi ro mới đang hình thành, có thể buộc Fed phải đưa ra lựa chọn khó khăn trong thời gian tới. Triển vọng kinh tế ngày càng thiếu chắc chắn, chính sách thương mại tiếp tục là yếu tố bất ổn, rủi ro lạm phát và thất nghiệp đang tăng. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đang theo dõi sát tình hình. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết, lập trường chính sách hiện tại cho phép Fed phản ứng kịp thời với các diễn biến kinh tế.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức Destatis, đơn đặt hàng mới ngành sản xuất nước này tăng 3,6% m/m trong tháng 3 sau khi đi ngang (0,0%) tháng trước đó, đồng thời cũng cao hơn kỳ vọng ở mức tăng 1,4%. Các ngành đóng góp chính vào mức tăng trong tháng vừa qua gồm sản xuất linh kiện điện tử (+14,5%), sản xuất máy móc và phụ tùng (+5,3%), sản xuất thiết bị vận tải (+13,0%), công nghiệp ô tô (+2,5%), dược phẩm (+17,3%). Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tăng 4,7%, chủ yếu từ các nước trong Eurozone; từ trong nước tăng 2,0%. Tuy nhiên, so với quý IV/2024, số lượng đơn đặt hàng của quý I/2025 vẫn giảm 2,3%.

Theo kết quả khảo sát của S&P Global, chỉ số PMI lĩnh vực xây dựng của Anh cho thấy mức tăng nhẹ, từ 46,4 điểm của tháng 3 lên 46,6 điểm trong tháng 4. Mặc dù có sự cải thiện nhỏ này và tích cực hơn dự báo ở mức 46,0 điểm, chỉ số vẫn duy trì dưới ngưỡng quan trọng 50, mức phân định giữa tăng trưởng và thu hẹp. Sự thu hẹp liên tục này làm nổi bật những khó khăn mà nền kinh tế Anh hiện đang phải đối mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng.

Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 08/05/2025

Đọc thêm