Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 13/05, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.266 VND/USD, giảm 05 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.455 VND/USD, tăng nhẹ 03 đồng so với phiên 10/05. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mùa vào và bán ra, giao dịch tại 25.670 VND/USD và 25.750 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 13/05, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,02 – 0,08 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi đi ngang ở kỳ hạn 1M so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 4,30%; 1W 4,51%; 2W 4,68% và 1M 4,80%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi giữ nguyên ở các kỳ hạn 2W và 1M; giao dịch tại: ON 5,26%; 1W 5,33%; 2W 5,39%, 1M 5,41%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở các kỳ hạn 3Y và 15Y trong khi tăng ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3Y 1,87%; 5Y 2,03%; 7Y 2,27%; 10Y 2,75%; 15Y 2,97%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 5.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 1.559,92 tỷ đồng trúng thầu, có 2.541,52 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 1.500 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 3,75%, có 2.800 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 318,40 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 67.290 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố giảm xuống 6.356,27 tỷ.
Thị trường chứng khoán: Các chỉ số trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua diễn biến giằng co quanh mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,52 điểm (-0,36%) xuống 1.240,18 điểm; HNX-Index nhích 0,68 điểm (+0,29%) lên 236,36 điểm; UPCoM-Index mất 0,24 điểm (-0,26%) về mức 91,48 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức trung bình với giá trị giao dịch trên 19.300 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 865 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa cả nước tháng 4/2024 ước thặng dư 1,06 tỷ USD, lũy kế 4 tháng đầu năm xuất siêu 9,02 tỷ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đạt 31,05 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng 3; nhập khẩu đạt 29,99 tỷ USD, giảm 2,9%. Kim ngạch XK 4 tháng đầu năm đạt 123,98 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ 2023; NK đạt 114,96 tỷ; tăng 15,1%. Tổng kim ngạch XNK 4 tháng đạt 238,94 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ.
Tin quốc tế:
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Quốc gia Úc NAB, niềm tin kinh doanh tháng 4 của nước này giữ ở mức 1 điểm như tháng trước đó, cho thấy điều kiện kinh doanh ở Úc tiếp tục được cải thiện. Con số này cải thiện đáng kể từ mức -9 điểm của tháng cuối năm 2023. Trong đó, điều kiện kinh doanh giảm 2 điểm so với tháng 3, đạt +7 điểm trong tháng 4, là mức trung bình dài hạn của chỉ số này. Chỉ số việc làm giảm 5 điểm xuống mức +2 điểm, trong khi điều kiện thương mại cũng giảm 2 điểm và chỉ số lợi nhuận giữ ở mức ổn định.
Hàn Quốc điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế 2024. Ngày 12/05, Viện Tài chính Hàn Quốc KIF dự báo kinh tế nước này tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm 2024, tích cực hơn so với dự báo ở mức 2,1% đưa ra hồi tháng 11/2023. Nguyên nhân chính khiến dự báo thay đổi là do xuất khẩu của Hàn Quốc cải thiện đáng kể, đặc biệt là các tín hiệu tích cực từ ngành bán dẫn. Cụ thể, KIF dự báo kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể sẽ tăng tới 5,3% so 2023, hơn gấp đôi so với mức tăng chỉ 2,6% theo dự báo trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tăng chậm hơn ở mức 3,7%, cũng được nâng lên từ 2,4% theo dự báo ban đầu. Mặc dù vậy, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân được KIF dự báo chỉ tăng 1,7%, thấp hơn mức 2,0% theo dự báo trước do ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 14/05/2024