Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 11/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.253 VND/USD, tăng tiếp 06 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.427 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên 10/07. Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục giảm 40 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 25.710 VND/USD và 25.790 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 11/07, lãi suất chào bình quân LNH VND giảm 0,04 - 0,27 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần; cụ thể: ON 4,64%; 1W 4,74%; 2W 4,86% và 1M 5,0%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở kỳ hạn 2W trong khi giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 5,29%; 1W 5,34%; 2W 5,39%, 1M 5,42%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 5Y; chốt phiên ở mức: 3Y 1,91%; 5Y 1,98%; 7Y 2,30%; 10Y 2,79%; 15Y 2,96%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,50%. Có 14.999,99 tỷ đồng trúng thầu, có 5.177,56 tỷ đồng đáo hạn trong phiên hôm qua. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 7.050 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 4,50%, có 11.850 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 14.622,43 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 103.150 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 61.999,82 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua, lực bán tăng dần về cuối phiên khiến VN-Index giảm điểm. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,14 điểm (-0,17%), về mức 1.283,80 điểm; HNX-Index tăng 0,84 điểm (+0,35%) lên 245,39 điểm; UPCoM-Index mất 0,38 điểm (-0,39%) còn 98,32 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt trên 20.700 tỷ đồng. Khối ngoại bất ngờ mua ròng nhẹ gần 30 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Liên Bộ Công thương – Tài chính thực hiện điều chỉnh giảm giá hầu hết các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường trong kỳ điều chỉnh ngày 11/07. Cụ thể, giá xăng RON 95 giảm 260 đồng/lít so với kỳ điều chỉnh trước, có giá 23.290 đồng/lít; xăng E5 RON 92 giảm 180 đồng/lít, có giá 22.280 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 340 đồng/lít, có giá 20.830 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá mới là 21.030 đồng/lít (giảm 180 đồng/lít); dầu mazut tăng 250 đồng/kg, có giá mới là 17.780 đồng/kg.
Tin quốc tế:
Văn phòng Thống kê Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần tại nước này giảm nhẹ 0,1% m/m trong tháng 6 sau khi đi ngang (0,0% m/m) ở tháng 5, trái với dự báo tăng nhẹ 0,1%. Bên cạnh đó, CPI lõi tại nước này tăng nhẹ 0,1% m/m trong tháng vừa qua, thấp hơn mức tăng của tháng 5 và cũng là dự báo của các chuyên gia với 0,2%. So với cùng kỳ năm 2023, CPI toàn phần và CPI lõi trong tháng 6 lần lượt tăng 3,0% và 3,3% y/y, cùng hạ nhiệt từ mức 3,3% và 3,4% của tháng trước đó, đồng thời thấp hơn dự báo lần lượt tăng 3,1% và 3,4%. Nguyên nhân chính khiến lạm phát tháng 6 tích cực là do các chi phí về chỗ ở đang cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, bên cạnh đó giá năng lượng cũng đi xuống khi giá xăng giảm đáng kể. Tiếp theo, tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 06/07 ở mức 222 nghìn đơn, giảm xuống từ 238 nghìn đơn của tuần trước đó và thấp hơn mức 236 nghìn đơn theo dự báo. Số đơn trung bình 4 tuần gần nhất ở mức 233,5 nghìn, giảm 5,25 nghìn so với 4 tuần liền trước. Sau khi các thông tin trên được công bố, công cụ dự báo của CME cho thấy có tới 93% khả năng Fed sẽ cắt giảm LSCS trong cuộc họp tháng 09/2024. Kịch bản chiếm ưu thế chỉ ra Fed có thể cắt giảm LSCS 3 lần liên tiếp ở tháng 09-11-12 (nhiều hơn 1 lần so với dự báo trước), đưa LSCS cuối năm về mức 4,50% - 4,75%.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS công bố GDP tại nước này tăng 0,6% m/m trong tháng 5 sau khi đi ngang (0,0% m/m) tháng trước đó, tích cực hơn mức tăng 0,2% theo dự báo. Trong 3 tháng tính tới tháng 5, GDP Anh tăng tới 0,9%, vượt qua dự báo chỉ tăng 0,7%, là mức tăng 3 tháng mạnh nhất kể từ tháng 01/2022. Giám đốc ONS, bà Liz McKeown đánh giá kinh tế Anh tăng trưởng mạnh ở tháng 5 với tất cả các lĩnh vực chính đều tăng trưởng, đáng chú ý là sản lượng xây dựng tăng mạnh 1,9% m/m và sản lượng công nghiệp tăng nhẹ 0,2% m/m sau khi lần lượt sụt giảm 1,1% và 0,9% ở tháng 4.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 12/07/2024