Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 04/11, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.253 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.315 VND/USD, tăng 21 đồng so với phiên 01/11. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 90 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.780 VND/USD và 25.880 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 04/11, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng rất mạnh 1,38 – 2,23 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên cuối tuần trước; cụ thể: ON 6,20%; 1W 6,18%; 2W 5,95 và 1M 5,75%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ngắn trong khi không thay đổi ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 4,85%; 1W 4,90%; 2W 4,92%, 1M 4,93%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp tăng ở hầu hết kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn 3Y; chốt phiên: 3Y 1,88%; 5Y 1,91%; 7Y 2,20%; 10Y 2,70%; 15Y 2,91%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 30.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất ở mức 4,0%. Có 29.999,97 tỷ đồng trúng thầu. Có 10.000 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN ở kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 300 tỷ đồng trúng thầu, lãi suất giữ ở mức 3,90%. Có 3.900 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 23.599,97 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở trong phiên hôm qua. Có 53.999,88 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 82.500 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số giảm điểm khi nhà đầu tư trở nên khá bi quan. Chốt phiên, VN-Index giảm khá mạnh 10,18 điểm (-0,81%) về mức 1.244,71 điểm; HNX-Index giảm 0,96 điểm (-0,43%) còn 224,45 điểm; UPCoM-Index mất 0,36 điểm (-0,38%) xuống 91,61 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt gần 16.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 17 liên tiếp gần 670 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo S&P Global, Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt kết quả 51,2 điểm trong tháng 10, tăng tích cực so với 47,3 điểm của tháng 9 và đã vượt lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau khi chịu tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra trong tháng trước. Điều kiện kinh doanh đến nay đã mạnh lên suốt 6 trong 7 tháng qua, mặc dù mức độ cải thiện trong tháng 10 chỉ là nhẹ. Trọng tâm của tình trạng cải thiện sức khỏe ngành sản xuất là sự tăng trưởng trở lại của cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới khi quá trình phục hồi sau bão đang diễn ra. Tuy nhiên, tốc độ tăng của từng chỉ số này là chậm hơn so với những tháng trước tháng 9 khi một số công ty tiếp tục gặp phải tình trạng gián đoạn sau cơn bão và tình trạng lũ lụt kèm theo.
Tin quốc tế:
Văn phòng Thống kê Mỹ cho biết giá trị đơn đặt hàng nhà máy tại nước này giảm 0,5% m/m trong tháng 9, nối tiếp đà giảm 0,8% của tháng trước đó, gần khớp với dự báo giảm 0,4%. Ngày hôm nay 05/11, thế giới chờ đón kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, sẽ kết thúc khi một trong hai ứng viên là Kamala Harris hoặc Donald Trump cán mốc 270 phiếu đại cử tri.
S&P Global cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại Eurozone chính thức đạt 46,0 điểm trong tháng 10, điều chỉnh không đáng kể so với mức 45,9 điểm theo khảo sát sơ bộ, tăng nhẹ so với mức 45,0 điểm của tháng 9. Đây là tháng thứ 28 liên tiếp PMI sản xuất cho thấy sự thu hẹp của lĩnh vực này, đánh dấu đợt suy thoái dài nhất kể từ khi bắt đầu được đánh giá từ năm 1997.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 05/11/2024