Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 15/01, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.992 VND/USD, tăng tiếp 16 đồng so với phiên cuối tuần trước. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.141 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.472 VND/USD, giảm 27 đồng so với phiên 12/01. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh 120 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.870 VND/USD và 24.970 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 15/01, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở hầu hết các kỳ hạn từ 1M trở xuống ngoại trừ tăng 0,02 đpt ở kỳ hạn 2W so với phiên cuối tuần trước, cụ thể: ON 0,20%; 1W 0,30%; 2W 0,57% và 1M 1,28%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,03 đpt ở tất cả các kỳ hạn; giao dịch tại: ON 5,09%; 1W 5,22%; 2W 5,31%, 1M 5,40%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn ngắn trong khi tăng nhẹ ở kỳ hạn 15Y; chốt phiên ở mức: 3Y 1,25%; 5Y 1,45%; 7Y 1,82%; 10Y 2,22%; 15Y 2,43%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất vẫn giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán: Phiên hôm qua, các chỉ số từ lúc mở phiên vẫn giữ được sắc xanh đến gần cuối phiên, sau đó lực bán bất ngờ xuất hiện kéo cả 3 chỉ số giảm về dưới giá tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,58 điểm (-0,05%) về mức 1.154,12 điểm; HNX-Index sụt 2,76 điểm (-1,20%) còn 227,55 điểm; UPCoM-Index mất 0,29 điểm (-0,33%) xuống 86,61 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức thấp với giá trị giao dịch gần 14.200 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 32 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu số ra tháng 1/2024, Ngân hàng Thế giới WB giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 và 2025 của Việt Nam. Cụ thể, GDP Việt Nam được dự báo tăng lần lượt 5,5% và 6,0% trong 2 năm 2024 và 2025, giảm 0,7% và 0,5% so với dự báo hồi tháng 6/2023.
Tin quốc tế:
World Bank kiên định với dự báo kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc trong năm 2024. Trong báo cáo công bố cuối tuần trước, tổ chức này ước tính GDP toàn cầu năm 2024 tăng trưởng 2,4%, giảm tốc năm thứ 4 liên tiếp (không đổi so dự báo trước), nguyên nhân chính do tác động của lãi suất chính sách ở mức quá cao. Trong số các nước phát triển, GDP Mỹ được dự báo tăng 1,6% trong năm nay (+0,8 đpt), Eurozone tăng nhẹ 0,7% (-0,6 đpt) và Nhật Bản tăng 0,9% (+0,2 đpt). Đối với các nước đang phát triển, WB dự báo GDP Trung Quốc tăng 4,5% trong năm nay (+0,1 đpt), Ấn Độ tăng 6,4% (không đổi), Indonesia tăng 4,9% (không đổi) và Thái Lan tăng 3,2% (-0,4 đpt).
Eurozone ghi nhận một số chỉ báo kinh tế quan trọng. Đầu tiên, sản lượng công nghiệp tại khu vực này giảm 0,3% m/m trong tháng 11, nối tiếp đà giảm 0,7% của tháng trước đó và khớp với dự báo. So với cùng kỳ năm 2022, sản lượng công nghiệp Eurozone rơi 6,8% y/y. Tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu tại Eurozone đạt 252,4 tỷ EUR trong tháng 11, giảm 4,7% y/y. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 đạt 232,2 tỷ EUR, giảm 16,7% y/y. Theo đó, cán cân thương mại khu vực này thặng dư 14,8 tỷ EUR trong tháng 11, cao hơn mức thặng dư 11,1 tỷ của tháng 10 và đồng thời cao hơn mức 11,2 tỷ theo dự báo.
Tổ chức Rightmove khảo sát cho biết, chỉ số giá nhà tại nước Anh tăng 1,3% m/m trong tháng 1 sau khi giảm liên tiếp 1,7% ở tháng 11 và 1,9% ở tháng 12. Nguyên nhân chính do nhu cầu mua nhà của người dân tăng trở lại, dù lãi suất thế chấp chưa có dấu hiệu suy giảm.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 16/01/2024