Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 13/12, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.954 VND/USD, tăng 13 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.400 VND/USD; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 25.101 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.275 VND/USD, tăng tiếp 12 đồng so với phiên 12/12. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 24.640 VND/USD và 24.740 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 13/12, lãi suất chào bình quân LNH VND đi ngang ở kỳ hạn ON và 2W trong khi tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn 1W và 1M so với phiên trước đó, cụ thể: ON 0,20%; 1W 0,33%; 2W 0,57% và 1M 1,22%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 đpt ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ không thay đổi ở kỳ hạn ON; giao dịch tại: ON 5,04%; 1W 5,15%; 2W 5,25%, 1M 5,35%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở kỳ hạn 3Y trong khi tăng ở kỳ hạn 5Y và giảm ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3Y 1,62%; 5Y 1,62%; 7Y 2,09%; 10Y 2,32%; 15Y 2,52%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Hôm qua, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN và cũng không có khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường trái phiếu: Hôm qua 13/12, KBNN chào thầu 5.500 tỷ đồng TPCP. Khối lượng trúng thầu là 5.400 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 98%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 400 tỷ đồng/500 tỷ đồng chào thầu, kỳ hạn 10Y và 15Y huy động thành công toàn bộ 2.250 tỷ đồng chào thầu mỗi kỳ hạn, kỳ hạn 30Y huy động thành công toàn bộ 500 tỷ đồng chào thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5Y 1,58% (không đổi so với phiên trước), 10Y 2,25% (không đổi), 15Y 2,45% (không đổi), 30Y 3,03% (-0,02 đpt).
Thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán phiên hôm qua chịu áp lực bán tăng mạnh. Chốt phiên, VN-Index giảm 13,43 điểm (-1,19%) về mức 1.114,20 điểm; HNX-Index mất 3,29 điểm (-1,42%) còn 228,42 điểm; UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,30%) xuống 85,09 điểm. Thanh khoản thị trường tăng khá với giá trị giao dịch gần 21.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh hơn 836 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam. Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 12 năm 2023, ADB dự báo năm 2023 tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5,2%, giảm so với dự báo hồi tháng 9 ở mức 5,8%. GDP năm 2024 được giữ nguyên dự báo ở mức tăng 6,0%. Lạm phát 2023 và 2024 của Việt Nam được ADB giữ nguyên dự báo lần lượt ở mức 3,8% và 4,0%.
Tin quốc tế:
Fed mang đến nhiều dự báo quan trọng về kinh tế và đường đi LSCS trong tương lai. Cụ thể, theo dự báo trung bình của Fed (bình quân gia quyền dự báo của các thành viên), GDP Mỹ lần lượt tăng 2,6% trong năm 2023 (+0,5 đpt so dự báo hồi tháng 9) và giảm tốc còn 1,4% năm 2024 (-0,1 đpt). Về lạm phát, PCE lõi lần lượt tăng 3,2% trong năm 2023 (-0,5 đpt), hạ nhiệt còn 2,4% trong năm 2024 (-0,2 đpt). PCE toàn phần cũng chỉ tăng 2,8% trong năm nay (-0,5 đpt) sau đó hạ nhiệt xuống 2,4% trong năm sau (-0,1 đpt). Về thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp trong 2023 và 2024 lần lượt là 3,8% và 4,1% (cùng không đổi). Về LSCS, Fed cho biết LSCS cuối năm 2023 ở quanh 5,4% (-0,2 đpt) và dự báo sẽ được cắt giảm xuống còn 4,6% ở năm 2024 (-0,5 đpt). Như vậy, có thể thấy, Fed nhận định kinh tế Mỹ sẽ trở nên ảm đảm trong năm sau, đồng thời tỷ lệ lạm phát cũng giảm xuống với tốc độ lớn hơn những nhận định trước đây. Theo đó, cơ quan này sẽ có điều kiện cắt giảm LSCS mạnh hơn so với dự định cũ. Các quan chức Ủy ban CSTT Liên bang FOMC (thuộc Fed) cho rằng, kinh tế đang có biểu hiện chậm lại sau quý 3 tăng trưởng mạnh mẽ. Lạm phát đã nới lỏng nhưng vẫn còn ở mức cao. FOMC quyết tâm đạt mục tiêu toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức 2,0% trong dài hạn. Để đạt được mục tiêu trên, FOMC quyết định duy trì LSCS ở mức 5,25% - 5,50% trong cuộc họp này. Các quyết định về LSCS tiếp theo sẽ được đưa ra dựa vào dữ liệu kinh tế, lạm phát trong tương lai. FOMC cũng sẽ tính tới độ tích lũy của việc thắt chặt CSTT và ảnh hưởng của quá trình này lên kinh tế và thị trường tài chính. Cơ quan này có thể thay đổi CSTT cho phù hợp nếu xuất hiện những rủi ro cản trở quá trình đạt mục tiêu.
Kinh tế Anh ghi nhận một số thông tin tiêu cực. Đầu tiên, GDP tại Anh trong tháng 10 giảm 0,3% m/m sau khi tăng 0,2% ở tháng trước đó, sâu hơn dự báo giảm nhẹ 0,1%. Cũng trong tháng 10, sản lượng công nghiệp tại Anh suy giảm 0,8% m/m sau khi đi ngang ở tháng 9 trước đó, tiêu cực hơn nhiều so với dự báo giảm 0,1%. Cuối cùng, cán cân thương mại Anh trong tháng 10 thâm hụt 17 tỷ GBP, sâu hơn mức thâm hụt 14,3 tỷ ghi nhận trong tháng 9, đồng thời sâu hơn mức thâm hụt 14,1 tỷ theo dự báo.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 14/12/2023