Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 23/07/2025

08:30 23/07/2025

Tin trong nước:

Thị trường ngoại tệ: Phiên 22/07, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 25.179 VND/USD, giảm 12 đồng so với phiên đầu tuần. Tỷ giá mua giao ngay được niêm yết ở mức 23.971 VND/USD, cao hơn 50 đồng so với tỷ giá sàn; tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 26.387 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 26.147 VND/USD, giảm tiếp 09 đồng so với phiên 21/07. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra, giao dịch tại 26.360 VND/USD và 26.450 VND/USD.

Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 22/07, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng 0,03 – 0,08 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên đầu tuần, cụ thể: ON 5,08%; 1W 5,08%; 2W 5,03% và 1M 5,00%. Lãi suất chào bình quân LNH USD tăng 0,01 – 0,02 đpt ở các kỳ hạn ON và 1W trong khi giảm 0,01 đpt ở các kỳ hạn còn lại, giao dịch tại: ON 4,32%; 1W 4,37%; 2W 4,40%, 1M 4,42%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp biến động nhẹ trái chiều, chốt phiên ở mức: 3Y 2,37%; 5Y 2,67%; 7Y 3,03%; 10Y 3,29%; 15Y 3,39%.

Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày; 25.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 14 ngày và 5.000 tỷ đồng ở kỳ hạn 91 ngày, lãi suất đều ở mức 4,0%. Có 13.053,03 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, có 22.865,4 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 14 ngày, không có khối lượng trúng thầu ở kỳ hạn 91 ngày. Có 31.067,05 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN. Có 999,9 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, hôm qua NHNN bơm ròng 5.851,28 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Có 156.070,93 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 1.000 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.

Thị trường chứng khoán: Sau khi lấy lại động lực tăng từ giữa phiên sáng, thị trường đã duy trì sắc xanh cho tới cuối phiên, VN-Index thậm chí bứt phá mạnh để chinh phục thành công mốc 1.500 điểm. Chốt phiên, VN-Index tăng mạnh 24,49 điểm (+1,65%) lên mức 1.509,54 điểm; HNX-Index thêm 2,06 điểm (+0,84%) đạt 247,85 điểm; UPCoM-Index mất 0,25 điểm (-0,24%) còn 104,02 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức cao với khối lượng giao dịch đạt hơn 33.800 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh gần 1.800 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Ngày 22/07, NHNN cho biết, lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Lãi suất cho vay bình quân mới ở mức 6,23%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2024, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh.

Tin quốc tế:

Ngày 22/07, trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vừa đạt "thỏa thuận lớn nhất lịch sử" với Nhật Bản. Theo đó, thuế đối ứng mới áp dụng với nước này chỉ là 15%. Nhật Bản cũng sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ. Ông Trump khẳng định Washington sẽ nhận "90% lợi nhuận" từ các khoản đầu tư này. Tổng thống Mỹ tuyên bố Nhật Bản "sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường cho xe hơi, xe tải, gạo, một số nông sản Mỹ và nhiều mặt hàng khác". Thỏa thuận vì thế sẽ tạo thêm "hàng trăm nghìn việc làm". Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Số liệu công bố ngày 17/7 cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, do ảnh hưởng của thuế nhập khẩu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ đầu năm 2021. Riêng kim ngạch xe hơi giảm gần 27%, linh kiện ôtô giảm 15,5% và dược phẩm giảm tới 41%.

Thái Lan không chấp nhận thuế quan 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Các quan chức Thái Lan cho biết nước này đã có vòng đàm phán thứ hai với Mỹ ngày 17/07, nhằm thảo luận chi tiết và điều chỉnh nhỏ. Cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra tùy thuộc phía Mỹ phản hồi như thế nào. Thứ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Julapun Amornvivat khẳng định nước này sẽ không mở cửa hoàn toàn thị trường đối với hàng hóa của Mỹ, khác với một số quốc gia khác đã có thỏa thuận với Washington. Thái Lan e ngại việc đồng ý thuế quan 0% đối với bất kỳ quốc gia nào sẽ tạo ra hiệu ứng “vỡ đê”, dẫn đến áp dụng tương tự với những quốc gia khác, theo đó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là đối với một số mặt hàng nông nghiệp đang chịu sức cạnh tranh lớn. Vị Thứ trưởng nhấn mạnh “Nếu chỉ một bên được hưởng toàn bộ lợi ích, thỏa thuận sẽ không thể thành công".

NHTW Úc RBA công bố biên bản cuộc họp tháng 7. Trong văn bản này, RBA nhận định triển vọng của các doanh nghiệp và tiêu dùng tại Úc không bị ảnh hưởng mạnh với mức thuế quan mà Mỹ công bố, so với các quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để thấy những tác động mà thuế quan tạo ra. Các hoạt động kinh tế thời gian vừa qua vẫn phù hợp với các giá định trong tháng 5. Bước sang quý 3, sức chi tiêu của các hộ gia đình không yếu như dự báo, dẫn đến kỳ vọng tăng trưởng kinh tế có thể tích cực hơn. Bên cạnh đó, lạm phát cơ bản nửa đầu năm đã giảm nhưng vẫn ở nửa trên trong mức mục tiêu 2% - 3%. Lạm phát sẽ tạm thời tăng lên gần mức 3% ở cuối năm và duy trì tại mức này trong năm 2026, khi Chính phủ ban hành các chỉ thị giảm trợ cấp năng lượng cho các hộ gia đình. RBA cho rằng CSTT vẫn đang ở mức thắt chặt nhẹ, song cũng đã nới lỏng hơn so với 2024 bởi các đợt cắt giảm LSCS vào tháng 2 và tháng 5. Các thành viên Hội đồng CSTT của RBA đồng ý rằng, lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới, và việc giảm thêm LSCS theo thời gian là cần thiết. Mục tiêu của các cuộc họp tiếp theo là xác định thời điểm và mức độ của việc nới lỏng thêm, trong bối cảnh các yếu tố bất định gia tăng.

Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 23/07/2025

Đọc thêm