Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 22/05, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.254 VND/USD, tăng tiếp 03 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 25.466 VND/USD, tiếp tục tăng 03 đồng so với phiên 21/05. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.650 VND/USD và 25.740 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 22/05, lãi suất chào bình quân LNH VND tăng mạnh 0,30 – 0,47 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó; cụ thể: ON 4,63%; 1W 4,73%; 2W 4,85% và 1M 4,98%. Lãi suất chào bình quân LNH USD đi ngang ở kỳ hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ tăng 0,01 đpt ở kỳ hạn 1M, giao dịch tại: ON 5,27%; 1W 5,32%; 2W 5,39%, 1M 5,42%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp giữ nguyên ở kỳ hạn 3Y trong khi tăng mạnh ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên ở mức: 3Y 1,86%; 5Y 2,04%; 7Y 2,34%; 10Y 2,85%; 15Y 3,03%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 25.000 tỷ đồng với kỳ hạn 07 ngày, lãi suất tăng lên mức 4,5%. Có 24.999,99 tỷ đồng trúng thầu, có 2.791,17 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 650 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất tăng lên mức 4,0%, có 1.400 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 22.958,82 tỷ đồng ra thị trường, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 56.340 tỷ đồng, khối lượng trên kênh cầm cố tăng lên mức 28.047,31 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 22/05, KBNN huy động thành công 5.191 tỷ đồng/9.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 55%). Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 2.000 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 10Y huy động được 2.200 tỷ đồng/3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15Y huy động được 200 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y huy động được 791 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 20Y gọi thầu 500 tỷ đồng, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5Y là 1,75% (+0,03 đpt so với phiên đấu thầu trước), 10Y là 2,66% (+0,05 đpt), 15Y là 2,83% (+0,05 đpt), 30Y là 3,06% (+0,03 đpt).
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán phiên hôm, áp lực chốt lời khiến sắc đỏ bao trùm nhiều cổ phiếu, đặc biệt nhóm blue-chips. Chốt phiên, VN-Index giảm 10,23 điểm (-0,80%) về mức 1.266,91 điểm; HNX-Index thêm 1,86 điểm (+0,76%) lên 245,15 điểm; UPCoM-Index nhích 0,25 điểm (+0,26%) lên mức 94,70 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức cao với giá trị giao dịch gần 32.300 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 767 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung tình kinh tế kinh tế xã hội và NSNN năm 2023; tình hình triển khai kế hoạch KTXH và NSNN những tháng đầu năm 2024 trình bày trước Quốc hội ngày 21/05, Chính phủ xác định, tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Dự kiến, trong 6 tháng cuối năm, Chính phủ sẽ ban hành các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, với tổng số tiền dự kiến khoảng 98 nghìn tỷ đồng; trong đó, giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Tin quốc tế:
Đêm qua theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản cuộc họp cuối tháng 4 đầu tháng 5. Trong văn bản này, Fed nhận định nền kinh tế Mỹ vẫn mở rộng vững chắc trong quý 1, việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp còn ở mức thấp. lạm phát đã hạ nhiệt trong một năm qua, tuy nhiên những tháng hiện tại không cho thấy nhiều tiến triển đối với mục tiêu hướng về mức 2,0%. Áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại đối với một số yếu tố, ở cả giá hàng hóa và giá dịch vụ. Các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang FOMC (thuộc Fed) đồng thuận duy trì LSCS ở mức 5,25% - 5,50% nhằm đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát ở mức mục tiêu 2,0% trong tương lai. FOMC cũng giữ quan điểm sẽ đánh giá các dữ liệu một cách cẩn trọng trước khi đưa ra bất kỳ sự điều chỉnh nào đối với LSCS, và không kỳ vọng cắt giảm trở lại cho tới khi có được niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang tiến về mục tiêu một cách bền vững. Bên cạnh đó, bắt đầu từ tháng 6 năm nay, FOMC sẽ giảm tốc đối với quá trình thu hẹp bảng cân đối kế toán, từ thu hẹp 65 tỷ USD/tháng xuống còn 25 tỷ USD/tháng.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ONS cho biết chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn phần và CPI lõi tại nước này lần lượt tăng 2,3% và 3,9% y/y trong tháng 4, cùng giảm tốc so với mức 3,2% và 4,2% của tháng trước đó, tuy nhiên chưa về mức 2,1% và 3,6% như dự báo của các chuyên gia. Những con số trên cho thấy CPI toàn phần đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 08/2021 và CPI lõi là thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Bên cạnh đó, CPI toàn phần cũng đã về gần với mức mục tiêu 2,0% mà NHTW Anh BOE theo đuổi.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 23/05/2024