Tin trong nước:
Thị trường ngoại tệ: Phiên 21/08, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.246 VND/USD, giảm tiếp 05 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên niêm yết lần lượt ở mức 23.400 VND/USD và 25.450 VND/USD. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên với mức 24.937 VND/USD, tăng 14 đồng so với phiên 20/08. Tỷ giá trên thị trường tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 25.320 VND/USD và 25.420 VND/USD.
Thị trường tiền tệ LNH: Ngày 21/08, lãi suất chào bình quân LNH VND tiếp tục giảm 0,02 – 0,08 đpt ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống so với phiên trước đó; cụ thể: ON 4,42%; 1W 4,58%; 2W 4,66% và 1M 4,72%. Lãi suất chào bình quân LNH USD giảm 0,01 ở hầu hết các kỳ hạn ngoại trừ đi ngang ở kỳ hạn 1W, giao dịch tại: ON 5,31%; 1W 5,35%; 2W 5,38%, 1M 5,42%. Lợi suất TPCP trên thị trường thứ cấp không thay đổi ở các kỳ hạn 3Y và 5Y trong khi giảm ở kỳ hạn 7Y và tăng nhẹ ở các kỳ hạn còn lại; chốt phiên với: 3Y 1,91%; 5Y 1,95%; 7Y 2,23%; 10Y 2,72%; 15Y 2,90%.
Nghiệp vụ thị trường mở: Trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu 7.000 tỷ đồng, kỳ hạn 07 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,25%. Có 2.683,03 tỷ đồng trúng thầu, có 5.793,6 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN kỳ hạn 14 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 5.000 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất ở mức 4,20%, có 9.999,7 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 1.889,13 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 43.474,64 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 50.349,7 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu: Ngày 21/08, KBNN đấu thầu thành công 10.880 tỷ đồng/15.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu, tỷ lệ trúng thầu đạt 73%. Trong đó, kỳ hạn 5Y huy động được 310 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu, 10Y huy động được 7.270 tỷ đồng/9.000 tỷ đồng, 15Y huy động được 3.250 tỷ đồng/5.000 tỷ đồng và 20Y huy động được 50 tỷ đồng/500 tỷ đồng gọi thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đều không đổi so với phiên đấu thầu trước, cụ thể: 5Y là 1,95%, 10Y là 2,71%, 15Y là 2,90%, 20Y là 2,98%.
Thị trường chứng khoán: Trên thị trường chứng khoán phiên hôm qua, các chỉ số chủ yếu giao dịch trên mốc tham chiếu, thanh khoản có sự gia tăng. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 11,50 điểm (+0,90%), lên mức 1.284,05 điểm; HNX-Index thêm 1,11 điểm (+0,47%) đạt 238,42 điểm; UPCoM-Index nhích 0,38 điểm (+0,40%) lên 94,48 điểm. Thanh khoản thị trường tăng so với phiên trước đó với giá trị giao dịch đạt khoảng 22.900 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng gần 340 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 7/2024, HNX đã tổ chức 20 đợt đấu thầu TPCP do KBNN phát hành, huy động được 36.512 tỷ đồng. Trong đó, KBNN gọi thầu tại 5 kỳ hạn gồm 5, 10, 15, 20 và 30 năm, TPCP trúng thầu tập trung chủ yếu tại kỳ hạn 10 năm, với tỷ trọng lên tới 82% tổng khối lượng trúng thầu. Lãi suất huy động TPCP trong tháng 7 có xu hướng tăng nhẹ so với cuối tháng 6, trong đó, kỳ hạn 10 năm có mức tăng 0,02%, kỳ hạn 15 năm tăng 0,1%, kỳ hạn 5 năm tăng 0,09%.
Tin quốc tế:
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 7. Trong biên bản được công bố sáng sớm nay theo giờ Việt Nam, Fed cho rằng triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2024 có sự giảm sút do các chỉ báo cho thấy thị trường lao động yếu hơn dự kiến. Trong năm 2025 và 2026, tăng trưởng thực tế dự kiến sẽ ở quanh mức tăng trưởng tiềm năng. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ trong thời gian còn lại của 2024 sau đó đi ngang ở 2025 và 2026. Lạm phát tiêu dùng PCE toàn phần và PCE lõi dự kiến sẽ tiếp tục giảm do cung cầu trên thị trường ngày càng cân bằng. Đến 2026 PCE toàn phần và PCE dự kiến sẽ ở khoảng 2,0%. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, thuộc Fed) cho rằng quá trình hạ lạm phát đã có tiến bộ trong những tháng gần đây, và triển vọng kinh tế là không chắc chắn. Theo đó FOMC sẽ chú ý đến những rủi ro với cả hai mặt trong nhiệm vụ kép đạt được toàn dụng nhân công và lạm phát mục tiêu 2,0% trong dài hạn. Để hỗ trợ mục tiêu trên, FOMC quyết định giữ LSCS ở mức 5,25% - 5,50%. FOMC khẳng định sẽ đánh giá cẩn trọng các dữ liệu sắp tới, đồng thời cho rằng việc giảm LSCS sẽ phù hợp khi FOMC có niềm tin vững chắc hơn rằng lạm phát đang tiến tới 2,0% một cách bền vững.
Nội các Nhật Bản công bố kim ngạch xuất khẩu tại nước này đạt 9,14 nghìn tỷ JPY trong tháng 7, tăng 1,7% m/m. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong tháng vừa qua ghi nhận mức 9,89 nghìn tỷ JPY, tăng nhẹ 0,9% m/m. Theo đó, cán cân thương mại nước này thâm hụt khoảng 0,76 nghìn tỷ trong tháng vừa qua, nhỏ hơn so với mức thâm hụt 0,82 nghìn tỷ của tháng 6 và gần khớp với dự báo thâm hụt 0,72 nghìn tỷ.
Bản tin Kinh tế - Tài chính ngày 22/08/2024